Giám đốc Roscosmos Nga ‘giải oan’ cho Mỹ về sứ mệnh mặt trăng

04/07/2024 21:53 GMT+7

Trong một lần hiếm hoi lên tiếng bênh vực các đồng nghiệp Mỹ, Giám đốc Yury Borisov của Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) tin tưởng người Mỹ đã thực sự đặt chân lên mặt trăng vào năm 1969.

Giám đốc Roscosmos Nga ‘giải oan’ cho Mỹ về sứ mệnh mặt trăng- Ảnh 1.

Phi hành gia Mỹ Neil Armstrong với sứ mệnh đầu tiên của con người đáp xuống mặt trăng theo khuôn khổ chương trình Apollo 11 hôm 21.7.1969

NASA

Trong phiên họp tại quốc hội Nga hôm 3.7, Giám đốc Roscosmos nhận được câu hỏi từ phía nghị sĩ về giả thuyết cho rằng có lẽ người Mỹ chưa từng đưa người đến mặt trăng.

Tuy nhiên, người đứng đầu Roscosmos không ngần ngại khẳng định đó là sự thật, dựa trên các mẫu đất đá được các phi hành gia Mỹ lấy từ bề mặt mặt trăng trong các sứ mệnh Apollo và chia sẻ với phía Liên Xô trước đây.

"Theo chuyên môn của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, mẫu đất (do NASA cung cấp) thực sự đến từ mặt trăng", RT dẫn lời ông Borisov trấn an các nghị sĩ.

Trong khi đó, người tiền nhiệm của ông Borisov là ông Dmitry Rogozin tỏ ra hoài nghi về các sứ mệnh Apollo của Mỹ. Ông Rogozin từng nói rằng trong khi nhiều chuyên gia của Roscosmos bênh vực phiên bản "đáp xuống mặt trăng" của Mỹ, ông chưa từng nhận được bằng chứng thực tế nào cho thấy điều đó.

Tàu Trung Quốc mang mẫu vật từ vùng tối mặt trăng về đến trái đất

Bất chấp việc tất cả sứ mệnh của Mỹ đều được phía Liên Xô theo dõi sát sao, không ít người vẫn tỏ ra không tin tưởng về chương trình Apollo kể từ khi phi hành gia Neil Armstrong của Mỹ đặt chân lên mặt trăng ngày 21.7.1969.

Thậm chí những người theo thuyết âm mưu cho rằng các vụ đáp xuống mặt trăng chỉ là trò dàn dựng của NASA, trong nỗ lực đi trước Liên Xô sau khi Moscow đưa người đầu tiên Yury Gagarin vào không gian hôm 12.4.1961.

Bất chấp các nỗ lực chứng minh, có từ 5 đến 20% số người Mỹ được hỏi vẫn cho rằng chương trình mặt trăng của nước này chỉ là trò lừa đảo, theo kết quả nhiều cuộc khảo sát.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.