img

Theo ông, đây là cơ hội để biến những ý tưởng, khát vọng đổi mới, bứt phá hạ tầng giao thông TP thành hiện thực, góp phần quan trọng vào sự phát triển của TP, vùng Đông Nam bộ và cả nước.

Vành đai 3 - dự án đường bộ có quy mô lớn nhất Đông Nam bộ; 53 dự án trọng điểm, chiến lược… một khối lượng công việc rất lớn mà ngành giao thông đã thực hiện trong năm 2023. Nhìn lại, ông có thấy hài lòng không?

Ông Trần Quang Lâm: Đúng là rất lớn. Năm 2023, nhiệm vụ được đánh giá là quan trọng nhất, được dồn lực nhiều nhất là tuyến Vành đai 3 TP.HCM. Lần đầu tiên, TP được giao chủ trì một dự án lớn như vậy. Ngoài việc thực hiện đoạn trên địa bàn, TP.HCM còn là đầu mối chung của các địa phương có tuyến đường đi qua, điều phối thực hiện và mọi công tác đều "chạy" rất ổn. Đó là niềm tự hào rất lớn.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã tập trung các công tác thẩm định phê duyệt dự án, thiết kế kỹ thuật, để khởi công theo đúng cam kết 12 công trình trọng điểm khác như: xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa kết nối với Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; xây dựng nút giao thông An Phú; xây dựng mở rộng quốc lộ 50…

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm: Chúng tôi may mắn đứng trước cơ hội hiện thực hóa khát vọng giao thông TP.HCM- Ảnh 1.

Nút giao An Phú, Quận 2, TP. Thủ Đức

Ngọc Dương

Năm 2023 cũng đánh dấu điểm sáng trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; dự án đường Vành đai 3 bàn giao mặt bằng trên 97%, trở thành dự án kiểu mẫu trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đặc biệt có ý nghĩa là một số công trình giao thông triển khai kéo dài do vướng mắc công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định được tháo gỡ như cầu Long Kiểng, cầu Vàm Sát, cầu Long Đại, cầu Phước Long, cầu thay đập Nam Lý, cầu Tăng Long, cầu Bà Hom, cần Tân Kỳ - Tân Quý... Sau khi được bàn giao mặt bằng, chủ đầu tư đã tăng tốc triển khai thi công và hoàn thành công trình trong thời gian sớm nhất, giúp khơi thông ách tắc giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây là tiền đề, bài học kinh nghiệm rất quý để các địa phương tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng các dự án giao thông trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Hoàn thành đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông, kịp thời giải quyết ùn tắc giao thông, góp phần phát triển kinh tế xã hội; trong năm hoàn thành đưa vào sử dụng 19 dự án, hạng mục công trình, như: đường song hành từ đường Mai Chí Thọ, mở rộng đường Lê Văn Chí (TP.Thủ Đức), đường Bình Đăng (Q.8), đường Lê Cơ (Q.Bình Tân), cầu Long Kiểng (H.Nhà Bè), cầu Vàm Sát 2 (H.Cần Giờ), cầu Long Đại (TP.Thủ Đức),..

Sở GTVT cũng đã lập đề xuất đầu tư và trình HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư hàng loạt dự án trọng điểm nhóm A như: đường Vành đai 2 (đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp và đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng), cầu đường Nguyễn Khoái, đường Nguyễn Thị Định, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, đường Dương Quảng Hàm, nút giao thông Mỹ Thủy… Để có thể "khai sinh" những dự án với quy mô lớn như vậy, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước rất quan trọng và phải dành nhiều công sức, thời gian.

Cũng không thể không kể tới một số cơ chế mà Sở đã tham mưu UBND TP và được Quốc hội thông qua trong Nghị quyết 98 như: áp dụng hình thức hợp đồng BOT đối với hệ thống đường bộ hiện hữu; thanh toán hợp đồng bằng vốn ngân sách; các chính sách liên quan đến khí thải và xây dựng công trình tạm... Những chính sách mới đã mở ra cơ hội cho TP tăng tốc rất nhiều dự án trọng điểm, cũng như thực hiện quản lý đô thị phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm: Chúng tôi may mắn đứng trước cơ hội hiện thực hóa khát vọng giao thông TP.HCM- Ảnh 2.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm: Chúng tôi may mắn đứng trước cơ hội hiện thực hóa khát vọng giao thông TP.HCM- Ảnh 3.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm: Chúng tôi may mắn đứng trước cơ hội hiện thực hóa khát vọng giao thông TP.HCM- Ảnh 4.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm: Chúng tôi may mắn đứng trước cơ hội hiện thực hóa khát vọng giao thông TP.HCM- Ảnh 5.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm: Chúng tôi may mắn đứng trước cơ hội hiện thực hóa khát vọng giao thông TP.HCM- Ảnh 6.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm: Chúng tôi may mắn đứng trước cơ hội hiện thực hóa khát vọng giao thông TP.HCM- Ảnh 7.

Hay công tác thu phí hạ tầng cảng biển, thoạt nghe thì đơn giản nhưng đây là hệ thống tự động 24/7, không phát sinh thủ tục hành chính và không sử dụng tiền mặt trong thu phí. Việc áp dụng cơ chế thuê dịch vụ công nghệ thông tin cũng lần đầu tiên được Sở GTVT TP mạnh dạn đề xuất trong lĩnh vực giao thông vận tải, tạo tiền lệ và kinh nghiệm trong việc triển khai chương trình chuyển đổi số của TP. Chỉ sau 20 tháng, hệ thống đã giúp ngân sách TP thu về gần 4.000 tỉ đồng. Đây là nguồn thu hết sức ý nghĩa, góp phần bổ sung giải quyết nguồn vốn bố trí cho đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối cảng biển.

Dù vậy, vẫn còn một số công trình trọng điểm khởi công rồi nhưng triển khai chưa đúng tiến độ như hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của, nút giao thông An Phú; đường nối Trần Quốc Hoàn đến nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất; mở rộng quốc lộ 50, tuyến metro số 1... Sở đã tăng cường giám sát, điều phối. Chủ đầu tư và các nhà thầu trong năm nay phải nỗ lực, điều hành và thi công tăng tốc các dự án này.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm: Chúng tôi may mắn đứng trước cơ hội hiện thực hóa khát vọng giao thông TP.HCM- Ảnh 8.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm: Chúng tôi may mắn đứng trước cơ hội hiện thực hóa khát vọng giao thông TP.HCM- Ảnh 9.

Hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Q.7)

Nhật Thịnh

Nghĩa là tết năm nay, ngành giao thông TP sẽ đón một mùa xuân thảnh thơi hơn năm trước?

Chính xác là vui hơn, nhưng thảnh thơi thì chưa. 2024 là năm cao điểm thực hiện Nghị quyết 98 và là năm của chuyển đổi số. Cả hai lĩnh vực đó, ngành giao thông có rất nhiều công trình, hoạt động. Vì thế ngay từ bây giờ, ngành giao thông phải chuẩn bị tinh thần để vào cuộc nhanh, sớm, với tinh thần rất cao.

Với những người làm giao thông, chỉ cần thấy một công trình, một dự án, một đầu việc cho ra được sản phẩm phục vụ người dân, cho TP, cho xã hội đều rất vui. Như tôi vừa nói, được làm những công trình lớn, được đảm nhận những công việc chưa từng làm vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội, là động lực, nên chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm: Chúng tôi may mắn đứng trước cơ hội hiện thực hóa khát vọng giao thông TP.HCM- Ảnh 10.

Ngày 25-7-2023 Thủ tướng Phạm Minh Chính thực địa kiểm tra việc thi công tại Dự án đường Vành đai 3 qua địa bàn tỉnh Long An

Tôi nhớ trong cuộc trao đổi cuối năm ngoái, ông nói 2023 sẽ là năm cao điểm và giờ thì năm 2024 cũng lại cao điểm...

Thậm chí năm 2024 sẽ vất vả hơn 2023 rất nhiều vì hầu hết các công trình trọng điểm bước vào giai đoạn triển khai xây dựng. Một loạt dự án lớn đã được thông qua chủ trương cần tập trung làm tiếp các bước tiếp theo để đảm bảo tiến độ khởi công xây dựng công trình vào năm 2025, chào mừng Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngoài ra, Nghị quyết 98 cho phép làm các dự án BOT, BT, triển khai thí điểm TOD và các chính sách chuyển đổi sang phương tiện giao thông cơ giới sử dụng năng lượng xanh thì 2024 cũng là năm bản lề để thực hiện tất cả những đầu mục này... Vì thế không chỉ năm nay mà có lẽ nhiều năm tới vẫn luôn là cao điểm với ngành giao thông.

Cách đây 2 năm khi bắt đầu tăng tốc Vành đai 3, ông đã nói chủ trương, chiến lược của Sở GTVT trong thời gian tới là thay đổi dần từ việc làm những công trình nhỏ trong nội đô để giải quyết ách tắc cục bộ, chuyển sang tập trung vào những công trình lớn, khơi thông các cửa ngõ. Đến lúc này, TP vẫn chủ trương như vậy hay có thay đổi gì không, thưa ông?

Đây không chỉ là quan điểm của Sở GTVT mà là quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Quy hoạch 568 (Quyết định số 568 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 - PV).

Quy hoạch phát triển TP gắn với các tỉnh trong vùng, có các đô thị vệ tinh và chủ trương phát triển không gian mở, hạn chế tập trung phát triển khu vực trung tâm.

Để phát triển đúng định hướng thì giao thông cửa ngõ và giao thông kết nối vùng phải tốt. Có câu này "cũ" nhưng vẫn giữ nguyên giá trị: Giao thông phải đi trước mở đường. Chúng ta kêu gọi đầu tư ở ngoại ô nhưng hạ tầng chưa có thì sẽ không khả thi hoặc tính hấp dẫn không cao.

Thời gian qua, chúng ta đã đầu tư một số công trình cấp bách (như các cầu vượt thép) để giải quyết ùn tắc giao thông cục bộ một số khu vực. Sắp tới ở trung tâm TP, chúng ta đầu tư một số nút giao thông lớn theo quy hoạch, đầu tư một số trục giao thông chính đô thị, tổ chức giao thông khoa học, tối ưu hóa hệ thống hạ tầng hiện hữu; đồng thời sẽ huy động tối đa nguồn lực cùng với các cơ chế đột phá để phát triển nhanh giao thông công cộng sức chở lớn (hệ thống metro).

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm: Chúng tôi may mắn đứng trước cơ hội hiện thực hóa khát vọng giao thông TP.HCM- Ảnh 11.

Tuyến đường sắt trên cao - Metro Bến Thành - Suối Tiên

Ngọc Dương

Cụ thể thì "các con đường ra ngoại ô" đã thực hiện đến đâu rồi, thưa ông?

TP có 3 tuyến Vành đai (2, 3, 4) đều đang trong quá trình thực hiện. Vành đai 3 đang xây dựng bám sát tiến độ; Vành đai 2 đã thông qua chủ trương, đang triển khai khép kín tất cả các đoạn phía đông (từ đường Võ Chí Công đến quốc lộ 1). Vành đai 4 cũng đang lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, triển khai sau Vành đai 3 một nhịp, theo tiến độ thì khoảng 2027 sẽ hoàn thành.

Khép kín các vành đai rồi thì quan trọng nhất là có hệ thống quốc lộ, các trục giao thông chính thông thoáng để mở cửa ngõ, kết nối từ trung tâm TP với mạng lưới đường vành đai đi các tỉnh. Hiện nay, quốc lộ 50 đang thi công mở rộng; 3 tuyến quốc lộ 1A, 22 và 13 đã nằm trong danh sách 5 dự án BOT triển khai theo cơ chế mới từ Nghị quyết 98, đã được HĐND TP thông qua, TP đã ban hành kế hoạch triển khai. Ngoài ra, phía trong nội đô, từ trung tâm tiếp cận tới đường Vành đai 2 có những công trình lớn sẽ đầu tư như cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, cầu đường Nguyễn Khoái (đã thông qua chủ trương); cầu đường Bình Tiên (thuộc 5 dự án BOT)...

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm: Chúng tôi may mắn đứng trước cơ hội hiện thực hóa khát vọng giao thông TP.HCM- Ảnh 12.

Dự án đường vành đai 3 đoạn giao nhau với QL1A và cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn

Lê Bình

Về các tuyến cao tốc, Bộ GTVT đang chủ trì nghiên cứu mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Về phía TP.HCM, chúng ta đã chủ động đầu tư nút giao An Phú, đã làm đường song hành cao tốc, đang mở rộng đường Lương Định Của... Đến năm 2025, cơ bản đảm bảo kết nối với tuyến cao tốc sau mở rộng. Ngoài ra còn có cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành cũng đang được ưu tiên triển khai.

Nhìn tổng thể, 3 vành đai, các tuyến cao tốc cùng quốc lộ hướng tâm kết nối từ trung tâm ra cửa ngõ đều đang trong chương trình triển khai, thuộc dự án trọng điểm của TP cũng như các tỉnh.

Nghị quyết 98 có giúp thời gian thực hiện các dự án được rút ngắn không, thưa ông?

Cần hiểu đúng rằng Nghị quyết 98 của Quốc hội cho TP.HCM những cơ chế đặc thù về phương thức đầu tư để TP được đầu tư công trình mà trong luật chưa có, còn thủ tục vẫn phải tuân thủ theo đúng quy định pháp luật. Vì thế, Nghị quyết 98 không mang ý nghĩa giúp dự án có thể chạy nhanh hơn nhờ giảm bớt hay rút ngắn thủ tục.

Trong 5 năm thí điểm cơ chế mới, khối lượng công việc tăng lên rất nhiều với nhiều dự án có quy mô lớn, trong khi biên chế nhân sự không tăng.

Bên cạnh đó, không chỉ TP mà cả nước đều đang tập trung làm rất nhiều công trình nên áp lực về vật liệu xây dựng cũng như đội ngũ tư vấn, nhà thầu cũng rất lớn.

Chưa kể, đây đều là những dự án rất lớn nên vấn đề phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, các đơn vị cũng đòi hỏi rất cao về cùng chí hướng, khát vọng phát triển và cùng dồn tâm dồn lực thì mới đi đều được. Nếu phối hợp chệch choạc, lệch nhịp thì dự án khó mà chạy nhanh được.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm: Chúng tôi may mắn đứng trước cơ hội hiện thực hóa khát vọng giao thông TP.HCM- Ảnh 13.

Toàn những công trình lớn, khối lượng công việc khổng lồ, chưa kể bối cảnh hiện nay yêu cầu cường độ cao, tốc độ nhanh, nhưng có vẻ như ông đang hào hứng hơn là áp lực?

Áp lực rất lớn nhưng đúng là hào hứng vì đó là tâm nguyện của cá nhân tôi, cũng như của toàn thể anh em Sở GTVT. Thật ra, ai đã yêu nghề thì cũng đều có khát vọng thay đổi hạ tầng, thay đổi bức tranh đô thị dù điều này không hề dễ dàng, không thể thực hiện được ngay trong vòng vài năm. Chúng tôi rất may mắn khi lãnh đạo UBND TP rất chú trọng mảng hạ tầng giao thông và có những quyết sách, hành động quyết liệt. Những ý tưởng, những công trình lớn, công trình đột phá, nếu không được sự ủng hộ cao từ lãnh đạo về chủ trương, quan điểm thì sẽ rất khó để thực thi.

Những hành động quyết liệt mà ông vừa nói đến, thể hiện như thế nào?

Lãnh đạo TP thực sự có tư duy đột phá và mong muốn đổi mới hạ tầng giao thông một cách căn cơ. TP cũng xác định rất rõ vai trò lớn của mình gắn với các địa phương trong vùng nên đã chủ động nhận chủ trì những công trình lớn, điển hình là Vành đai 3, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, và cũng đang tiếp tục theo dõi sát sao tiến trình đầu tư Vành đai 4.

Đặc biệt, lãnh đạo TP rất quan tâm vấn đề hoạch định TP một cách lâu dài, xứng tầm, không tư duy nhiệm kỳ. Như bạn thấy, các dự án vành đai không thể chỉ một nhiệm kỳ là xong; Với đường sắt đô thị, chúng ta đặt ra mục tiêu đến 2035 phải hoàn thiện cơ bản (ít nhất là khoảng 200 km), nghĩa là những tuyến metro này "vắt" qua hơn 2 nhiệm kỳ; "Siêu" cảng Cần Giờ dự kiến tới 2045 mới hoàn thành đầu tư toàn bộ. Nếu chỉ nghĩ cho một vài năm thì sẽ không quyết tâm mạnh mẽ tới vậy.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm: Chúng tôi may mắn đứng trước cơ hội hiện thực hóa khát vọng giao thông TP.HCM- Ảnh 14.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm: Chúng tôi may mắn đứng trước cơ hội hiện thực hóa khát vọng giao thông TP.HCM- Ảnh 15.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm: Chúng tôi may mắn đứng trước cơ hội hiện thực hóa khát vọng giao thông TP.HCM- Ảnh 16.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm: Chúng tôi may mắn đứng trước cơ hội hiện thực hóa khát vọng giao thông TP.HCM- Ảnh 17.

Ngày 15-4-2023_Thủ tướng Phạm Minh Chính đi thử nghiệm tàu metro Bến Thành – Suối Tiên

Nhật Bắc

Thời gian qua, TP đã tập trung, quyết liệt thực hiện những công trình trọng điểm, chiến lược, tầm vóc. Ở đây không chỉ là tầm vóc của TP mà còn mang tầm vóc của vùng và quốc gia. Lãnh đạo TP có mục tiêu phát triển TP một cách bền vững, căn cơ. Nhờ vậy, Sở GTVT mới có thể mạnh dạn đề xuất những công trình lớn, công trình trọng điểm. Đây là cơ hội lớn để chúng tôi hiện thực hóa những ý tưởng, những khát vọng đối với giao thông TP.

Với những cơ hội mới, cơ chế mới như vậy, bao giờ chúng ta sẽ được thấy "trái ngọt", thưa ông?

"Trái ngọt" của giao thông chính là các công trình hoàn thành đưa vào khai thác giúp cho việc đi lại của người dân an toàn, thuận lợi. Khi dự án được "khai sinh", được thông qua chủ trương, nghĩa là "đơm hoa". Khi dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng, là khi "kết trái".

Tôi cho rằng giai đoạn 5 - 10 năm tới, hạ tầng giao thông TP.HCM sẽ thay đổi rất lớn, bức tranh đô thị TP.HCM sẽ khác rất nhiều.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm: Chúng tôi may mắn đứng trước cơ hội hiện thực hóa khát vọng giao thông TP.HCM- Ảnh 18.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.