Giám đốc Sở VH-TT-DL Nam Định Đỗ Thanh Xuân: "Không ai ra lệnh cấm khai ấn đền Trần"

29/03/2011 22:05 GMT+7

Sau khi Bộ VH-TT-DL chính thức thông báo không tổ chức phát ấn đền Trần vào đêm 14 rạng sáng 15 tháng giêng (âm lịch), Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Thanh Xuân (ảnh nhỏ), Giám đốc Sở VH-TT-DL Nam Định.

Xin ông cho biết quan điểm của mình về quyết định của Bộ?  

 
Ảnh: Thục Quyên

Tôi hoàn toàn đồng tình với việc không phát ấn vào đêm 14 rạng sáng 15 tháng giêng. Theo quan điểm của tôi, vẫn nên có lễ khai ấn, nhưng không phát ấn ngay lúc đó mà việc phát ấn có thể kéo dài trong 1 tuần. Như vậy người dân sẽ không phải chen lấn xô đẩy để cướp ấn, ai cũng có thể đến thắp hương Đức thánh Trần, đi vãn cảnh, du xuân và nhận lá ấn như nhận lộc đầu xuân.

Nhà Trần là một trong những triều đại thịnh trị nhất của lịch sử phong kiến VN. Việc khai ấn đền Trần là có thật, lễ hội khai ấn đã ăn sâu vào tiềm thức người dân. Đến nay, tôi chưa thấy ai ra lệnh cấm việc khai ấn, và tôi tin là cũng sẽ không ai dám ban mệnh lệnh như thế.

Nếu cứ nhận được ấn vào giờ Tý mà lên chức thì giờ tôi không còn ngồi ở chức giám đốc sở này. Tôi nhận ấn về cũng thắp hương, đặt lên bàn thờ như một sự tôn kính, vậy thôi

Dự kiến đến tháng 10.2011 chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo, mời các nhà sử học, các chuyên gia về lịch sử, văn hóa, lễ hội... về Nam Định đóng góp ý kiến. Chúng tôi sẽ bàn các phương án và căn cứ vào kết quả hội thảo để trình kịch bản tổ chức lễ hội lên UBND tỉnh, Bộ VH-TT-DL. Đến khi đó mới có quyết định cuối cùng về việc lễ hội sang năm sẽ được tổ chức như thế nào.

Nhưng làm thế nào để tránh tình trạng thương mại hóa lễ hội và dẹp cảnh mua ấn cầu thăng quan phát tài?

Vua Trần ban ấn cho các quan là để bắt đầu một năm làm việc mới, kết thúc thời kỳ nghỉ tết, vui xuân, nhưng nhiều người vẫn lầm tưởng ban ấn là biểu tượng của việc thăng quan, phong cấp. Để xảy ra việc hiểu lầm, mang màu sắc mê tín dị đoan như thế này, có một phần lỗi do công tác tuyên truyền của ban tổ chức lễ hội khai ấn đền Trần. Nếu cứ nhận được ấn vào giờ Tý mà lên chức thì giờ tôi không còn ngồi ở chức giám đốc sở này. Tôi nhận ấn về cũng thắp hương, đặt lên bàn thờ như một sự tôn kính, vậy thôi.

 
Cảnh chen lấn xin ấn hồi tháng giêng 2011- Ảnh: Ngọc Thắng

Một vấn đề làm xấu đi hình ảnh linh thiêng của lễ hội là vấn đề tiền. Khi đi lễ đền, nhận lộc, nhiều người tự nguyện đưa tiền cho thủ đền khi họ giơ tay nhận ấn. Nhiều cụ thủ đền cũng cầm tiền, bỏ vào hòm công đức và phát ấn. Quan điểm của tôi là cần cấm tuyệt đối mọi hình thức đưa tiền nhận ấn, dù mua bán hay tự nguyện. Việc phát ấn sẽ hoàn toàn miễn phí, trong 1 tuần lễ, ai đến đền cũng có thể nhận được ấn. Việc cung tiến hiện vật hay công đức bằng tiền, xin mời quan khách bỏ vào hòm công đức, ghi sổ, ký tên. Kinh phí mua vải để đóng ấn, chi phí cho việc tổ chức... sẽ lấy từ nguồn tiền công đức. Năm 2009, theo thông báo của TP Nam Định, riêng tiền công đức vào đền của khách thập phương được hơn 9 tỉ đồng tiền mặt. Chỉ cần trích ra 1/10 số tiền đó cũng đủ để mua vải in ấn.

Káp Thành Long
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.