Sáng nay, kỳ họp thứ 3 HĐND TP.Hà Nội khoá 16 bước vào ngày làm việc thứ 3 với phiên chất vấn trực tiếp. Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thanh Bình nêu câu hỏi về số ca Covid-19 hiện đã lên đến 3 con số mỗi ngày; cũng như dự báo tình hình dịch tại thủ đô sắp tới sẽ ra sao trước nguy cơ biến chủng mới Omicron? “Sở có giải pháp quản lý F1, điều trị F0 tại nhà thế nào để tránh gây quá tải, thuốc điều trị?”, đại biểu này chất vấn.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, giai đoạn vừa qua, dịch bệnh trên địa bàn thành phố phức tạp, đặc biệt từ 11.10 tới nay, số ca mắc tăng cao, cao điểm nhất là ngày 6.12 với 774 ca.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà trả lời chất vấn |
xuân hải |
“Dự báo tình hình số ca mắc tiếp tục tăng cao, khoảng 1.000 ca/ngày. Dịch lan trong cộng đồng, lây nhiễm cao tại tất cả quận huyện, có thể có cả biến chủng Omicron, lây nhiễm cao hơn”, bà Hà thông tin. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, tỷ lệ tiêm 2 mũi đã rất cao, hầu hết ca bệnh nhẹ và ko có triệu chứng có thể điều trị tại nhà, tại trạm y tế lưu động.
Nguyên nhân số ca Covid-19 tăng cao gần đây, theo bà Hà, do mầm bệnh ở cộng đồng; giao thương, sản xuất kinh doanh trở lại; người nhập cảnh; khí hậu mùa đông xuân thuận lợi để vi rút phát triển; tâm lý chủ quan của người dân khi đã tiêm vắc xin... Nhìn nhận tình hình “phức tạp”, song theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, nếu quyết tâm, có giải pháp đồng bộ thì vẫn cơ bản kiểm soát được.
Dự báo Hà Nội có thể lên tới 1.000 ca Covid-19 một ngày |
Cũng theo bà Hà, biến chủng Omicron đã được ghi nhận nhiều nơi trên thế giới, có nhiều đột biến gene nhất, dự báo lây lan mạnh hơn, song chưa có dữ liệu chứng minh có thể gây bệnh nặng hơn. Theo thông tin hiện nay, vắc xin vẫn có thể bảo vệ người dân trước biến chủng này. Hà Nội chưa ghi nhận ca bệnh nào liên quan đến Omicron, song thành phố vẫn cập nhật thông tin để có giải pháp phù hợp.
“Thành phố đã có giải pháp đáp ứng điều trị 100.000 ca bệnh, phân luồng khoa học để không quá tải. Bệnh nhân nhẹ không triệu chứng điều trị tại nhà, tại cơ sở. Hiện 90 - 92% bệnh nhân không có triệu chứng; tỷ lệ bệnh nhân nặng chỉ khoảng 1,2%; tỷ lệ tử vong thấp, khoảng 0,34%”, bà Hà nêu.
Qua rà soát 2,1 triệu hộ, hiện có 805.000 hộ đủ điều kiện cho cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà. Trong đó thực tế đã thực hiện cách ly 21.000 F1 tại nhà và điều trị 150 F0 tại nhà trên địa bàn các quận, huyện. Theo bà Hà, ý thức của người dân thực hiện ở nhà là rất quan trọng, nếu ý thức không tốt thì dễ lây nhiễm ra cộng đồng.
"Hệ thống y tế cơ sở vừa qua thực hiện nhiều nhiệm vụ, hiện nay lại thêm quản lý các trường hợp cách ly điều trị tại nhà. Vừa qua lực lượng tuyến đầu 2 năm liền không nghỉ ngơi. Mỗi trạm y tế thì chỉ có 5 - 10 người mà phục vụ hàng nghìn, hàng vạn người dân. Cơ sở vật chất thì còn xuống cấp, nhân lực không thu hút được người có trình độ cao. Vì thế nên quá tải về nhân lực, không đáp ứng được về nhân lực”, bà Hà dẫn thực tế, và cho rằng nên có chính sách khuyến khích, thu hút nhân lực chất lượng cao về tuyến y tế cơ sở.
Số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 tăng nhanh:
Giai đoạn trước khi giãn cách (từ 27.4 đến 23.7) ghi nhận 917 ca mắc (trung bình 10,42 ca/ngày), với 414 ca ngoài cộng đồng.
Giai đoạn giãn cách (từ 24.7 đến 20.9) ghi nhận 3.276 ca (trung bình 56,4 ca/ngày) với 898 ca ngoài cộng đồng.
Giai đoạn phòng chống dịch trong tình hình mới (từ 21.9 đến 10.10), ghi nhận 114 ca, trung bình 5,7 ca/ngày, với 8 ca cộng đồng.
Giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP (tính từ 11.10) đến 8.12, ghi nhận 10.618 ca mắc (trung bình 186 ca/ngày), trong đó 4.123 ca cộng đồng.
Bình luận (0)