Giảm hàng ngàn tỉ tiền điện, nước cho người dân vùng dịch

02/08/2021 06:52 GMT+7

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 83, thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện cho các khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 .

Giảm 2.500 tỉ đồng tiền điện

Đây là đợt thứ 4 giảm giá tiền điện để hỗ trợ người dân kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 đến nay. Tập đoàn điện lực VN (EVN) cho biết dự tính, tổng số tiền giảm trong lần thứ 4 này khoảng 2.500 tỉ đồng. Tính chung 4 đợt, tổng số tiền hơn 16.300 tỉ đồng.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty điện lực TP.HCM (EVNHCMC), chia sẻ trong đại dịch, ngành nào cũng gặp khó khăn nhưng EVNHCMC sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ, tính toán cân đối để bảo đảm việc hỗ trợ giảm tiền điện cho người dân TP kịp thời.
“Trong thời gian qua, nhiều ý kiến của người dân trên báo đài, mạng xã hội đều mong muốn giảm tiền điện trong thời gian giãn cách toàn xã hội kéo dài. Từ đó, Bộ Công thương đã có đề xuất với Chính phủ và ngành điện hoàn toàn ủng hộ. Riêng TP.HCM, địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh đợt này ước giảm khoảng 500 tỉ đồng. Ba đợt trước tổng công ty giảm tổng cộng khoảng 1.600 tỉ đồng. Chúng tôi mong muốn được chia sẻ với người dân cả nước nói chung và người dân TP nói riêng. Hiện tại, các tổng công ty điện lực và EVN đang phối hợp để triển khai ngay theo hướng dẫn của Bộ Công thương. Dự kiến ban hành đầu tuần tới để kịp thời áp dụng ngay cho khách hàng được chốt chỉ số từ những ngày đầu tháng”, ông Kiên nói.

Sáng 2.8: Cả nước thêm 3.201 ca Covid-19, riêng TP.HCM 1.997 bệnh nhân

Theo Nghị quyết 83, đối tượng được giảm tiền điện đợt này là các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt tại các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Mức giảm 15% (trước thuế VAT) đối với khách hàng sử dụng đến 200 kWh/tháng; giảm 10% đối với khách hàng sử dụng trên 200 kWh/tháng. Thời gian hỗ trợ giảm trong 2 tháng tại các kỳ hóa đơn tháng 8 và tháng 9 năm 2021. Đặc biệt, giảm 100% tiền điện cho các cơ sở cách ly y tế tập trung phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 có thu một phần chi phí của người cách ly đáp ứng các điều kiện: doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn làm nơi cách ly y tế tập trung phòng, chống dịch Covid-19 không thu chi phí hoặc có thu một số khoản chi phí của người phải cách ly. Các đơn vị này mua điện trực tiếp từ các tổng công ty điện, công ty điện thuộc EVN và các đơn vị bán lẻ điện khác. Thời gian hỗ trợ giảm tiền điện 7 tháng kể từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6 - 12.2021.
Đại diện EVN cho biết dù tập đoàn cũng gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, nhưng trên tinh thần chia sẻ với những khó khăn của các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và các cơ sở cách ly, cơ sở y tế phòng chống dịch, tập đoàn đã kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và các bộ ngành để cho phép thực hiện việc giảm giá điện, giảm tiền điện.
“Ngoài ra, bên cạnh việc thực hiện 4 đợt giảm giá điện, giảm tiền điện để góp phần giảm bớt khó khăn do tác động của dịch Covid-19, EVN còn có nhiều hoạt động ủng hộ, hỗ trợ công tác phòng chống dịch cho nhiều địa phương và các cơ sở y tế. Chỉ tính riêng đối với đợt dịch Covid-19 từ cuối tháng 4 trở lại đây, EVN và các đơn vị thành viên đã đóng góp ủng hộ, hỗ trợ các hoạt động phòng chống dịch với tổng số tiền gần 430 tỉ đồng, trong đó EVN đã ủng hộ Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 số tiền 400 tỉ đồng”, đại diện EVN bổ sung.

TP.HCM chỉ còn 29 chợ bán hàng vì Covid-19, dân mua rau trên xe buýt

Động thái kịp thời và cần thiết

Ngay sau chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu giảm tiền điện cho người dân tại các khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đến sáng qua (1.8), Văn phòng Chính phủ tiếp tục có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Lê Minh Khái về việc xem xét, điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt. Cụ thể, Phó thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư khẩn trương xem xét, điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt, tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là tại các tỉnh, TP, các quận, huyện đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Đại diện Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO) cho biết sau ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, có thể trong 1 - 2 ngày tới, UBND TP.HCM sẽ tổ chức họp bàn với các đơn vị liên quan để triển khai, lên kế hoạch cụ thể. SAWACO vẫn luôn sẵn sàng thực hiện các phương án hỗ trợ theo ý kiến chỉ đạo từ UBND TP. Trước đó, doanh nghiệp này cũng đã triển khai thực hiện chương trình miễn, giảm 100% tiền nước cho các hộ nghèo, cận nghèo và các khu cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19 (không thu phí) trên địa bàn TP.HCM trong thời gian từ tháng 6 đến hết tháng 12 nhằm chung tay cùng TP chia sẻ, giảm bớt phần nào khó khăn cho người dân trong bối cảnh tình hình dịch bệnh kéo dài.
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng quyết định giảm giá nhóm dịch vụ thiết yếu như điện, nước cho bà con đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh là động thái kịp thời và cần thiết. Cụ thể, công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ ngày 31.7 yêu cầu các địa phương tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú cho tới khi hết giãn cách. Đây là quyết định đúng đắn vì còn để người dân di chuyển là còn nguy cơ dịch bệnh lây lan.
Chưa kể, người dân nghèo di chuyển bằng phương tiện thô sơ rất nguy hiểm và tạo nên khung cảnh có phần loạn lạc, tác động tiêu cực tới tâm lý xã hội. Tuy vậy, giải quyết vấn đề cần đi từ gốc. Người dân kéo nhau về quê, chủ yếu chia làm 2 đối tượng: một là “chạy dịch”, hai là không thể tiếp tục duy trì cuộc sống vì không có điều kiện để mưu sinh. Do đó, phản ứng tiếp theo trong việc tạo điều kiện là bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm cuộc sống thiết yếu và tạo niềm tin cho họ an tâm ở lại là cực kỳ quan trọng.
Theo ông Dũng, các dịch vụ công thiết yếu cần xem xét miễn giảm, song cũng chỉ là một phần nhỏ. Trải qua thời gian quá dài thực hiện giãn cách, ngừng mưu sinh để chống dịch, người dân đã gần như chạm tới ngưỡng “đói”. Nhu cầu cần hỗ trợ ngày càng nhiều hơn, đa dạng hơn. Vì thế, mỗi chính sách hỗ trợ trong thời điểm này cần thật sự thiết thực, đúng người, đúng việc thông qua khảo sát cụ thể xem người dân đang khó khăn ở đâu.
“Sự đóng góp của các tổ chức xã hội rất quan trọng. Nhiều người có điều kiện, muốn làm thiện nguyện nhưng không biết làm sao hoặc gặp khó trong nhiều khâu đoạn. Do đó, chính quyền các địa phương cần sáng tạo, bài bản hơn trong việc huy động các nguồn lực xã hội, các nhà hảo tâm, kể cả các tỉnh, địa phương khác để xây dựng nguồn lực tốt nhất có thể, giúp người dân vượt qua đại dịch”.
TS Nguyễn Sĩ Dũng
Việc này cần làm nhanh, làm ngay, dựa vào hệ thống chính quyền cơ sở, bắt đầu từ các tổ dân phố, kết hợp với công cụ số, nền tảng điện tử để người dân có thể tự đăng ký xin hỗ trợ qua kênh đơn giản nhất như điện thoại di động… Khi có danh sách cụ thể bao nhiêu người dân đang đói, chính quyền mới biết rõ ràng cần giảm thêm những chi phí gì, cho những ai, lương thực thực phẩm bao nhiêu để từ đó xây dựng chính sách kịp thời, phù hợp. “Những chi phí này không nằm trong dự toán ngân sách của địa phương nên vai trò hội sở từ T.Ư rất quan trọng. Những quyết định kèm theo định hướng hỗ trợ từ T.Ư sẽ giúp các địa phương tự tin triển khai nhanh, mạnh, kịp thời hỗ trợ người dân vượt qua đại dịch”, TS Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.