Tỷ lệ đô la hóa giảm dần
Một trong những mục tiêu của chiến lược này là giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ trên tổng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 7,5% vào năm 2020 và mức 5% vào năm 2030; tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xây dựng đề án hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
tin liên quan
'Mở két' cho doanh nghiệp vay ngoại tệKể từ khi áp dụng lãi suất huy động USD ở mức 0% vào năm 2015, tỷ lệ này tiếp tục giảm từ 11,06% năm 2014 xuống 8,21% thời điểm cuối năm 2017. Lượng ngoại tệ trên thị trường dư thừa tạo điều kiện cho NHNN mua vào một lượng lớn, bổ sung quỹ dự trữ ngoại hối nhà nước lên mức cao nhất từ trước đến nay, đạt 64 tỉ USD. Là địa bàn có lượng vốn huy động và cho vay chiếm khoảng 30% cả nước, theo báo cáo mới đây của NHNN chi nhánh TP.HCM, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt khoảng 2,15 triệu tỉ đồng (tăng 7,2% so cùng kỳ năm ngoái) tính đến cuối tháng 7.
Trong đó, huy động ngoại tệ chiếm khoảng 10,7%, tương ứng khoảng 230.000 tỉ đồng, so với thời điểm cuối năm 2017 thì con số ngoại tệ huy động được giảm khoảng 1,8%. Còn dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng khoảng 1,93 triệu tỉ đồng (tăng 9,47% so cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, cho vay ngoại tệ chiếm khoảng 9,1%, tương ứng 175.630 tỉ đồng, tăng khoảng 10,37% so với cuối năm 2017.
Theo NHNN, về cơ bản chính sách lãi suất tiền gửi USD 0%/năm không tác động bất lợi đến các luồng vốn vào như đầu tư gián tiếp (FII), đầu tư trực tiếp (FDI) và kiều hối. Kiều hối trong năm 2017 đạt khoảng 9,84 tỉ USD, tăng 10,76% so với cùng kỳ năm 2016. Giải ngân vốn FDI và FII tiếp tục chiều hướng tích cực, trong đó FDI giải ngân đạt 17,5 tỉ USD.
Sẽ ngưng cho vay ngoại tệ
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng lộ trình giảm tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ khá phù hợp, không thể loại trừ hoàn toàn ngoại tệ trong thanh toán trong 10 năm tới. Khi NH còn cho vay ngoại tệ thì sẽ vẫn huy động, nhưng không có nghĩa ngưng cho vay thì ngưng huy động. Việc cho vay ngoại tệ là để hỗ trợ xuất khẩu, còn việc NH nhận gửi USD nhằm khuyến khích nguồn kiều hối gửi về nước. Khi ngưng cho vay ngoại tệ, NH có thể giảm huy động ngoại tệ nhưng không đến mức phải ngưng hoặc thu phí người gửi USD như vàng bởi USD là phương tiện thanh toán, có ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ.
Liên quan đến vấn đề này, TS Bùi Quang Tín, giảng viên Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, cho rằng hạn chế tình trạng đô la hóa thì được chứ không nên triệt tiêu hoàn toàn. Bởi lãi suất cho vay USD ở mức 2,8 - 6%/năm, thấp hơn một nửa so với lãi suất vay tiền đồng nên các doanh nghiệp xuất khẩu “khoái” vay ngoại tệ hơn vì giảm được chi phí tài chính mà không ảnh hưởng gì đến thị trường ngoại tệ. Thế nhưng nhiều chuyên gia lại cho rằng để chống tình trạng đô la hóa, cần đảm bảo nguyên tắc trên lãnh thổ VN chỉ sử dụng tiền đồng. Chính vì vậy, cần ngưng vay ngoại tệ nhưng không phải bằng biện pháp hành chính mà nên vận dụng các biện pháp kinh tế. Thực tế, một vài tháng trở lại đây, lãi suất cho vay ngoại tệ đang có xu hướng tăng lên, cộng thêm tỷ giá biến động nên vay ngoại tệ cũng không lợi gì so với vay tiền đồng.
Một quan chức NHNN cho biết: Với mục tiêu chống đô la hóa đề ra, NHNN sẽ có một số thay đổi để thị trường thích nghi và tiến dần đến việc ngưng cho vay ngoại tệ. Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc cho vay ngoại tệ chỉ nên duy trì thêm 1 năm nữa để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế trong bối cảnh kinh tế thế giới có những diễn biến phức tạp như hiện nay. Sau đó, ngưng cho vay ngoại tệ để thực hiện triệt để các biện pháp chống đô la hóa nền kinh tế, ngay cả kiều hối cũng nên cho người nhận bằng tiền đồng thay vì ngoại tệ như hiện nay.
Từ năm 2011 - 2013, thực hiện chủ trương ngăn chặn tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế, hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và kinh tế vĩ mô, NHNN đã triển khai nhiều biện pháp để chấm dứt hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng. Các NH không được phép huy động vàng, chỉ được thực hiện hoạt động bảo quản tài sản (bao gồm vàng) và khách hàng phải trả phí cho hoạt động gửi vàng giữ hộ này. Kết quả từ năm 2014 trở lại đây, nhu cầu vàng miếng trong dân giảm dần.
|
Bình luận