Giảm lãi suất cho vay

27/08/2011 00:59 GMT+7

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể vay mượn vốn trên thị trường liên ngân hàng; linh hoạt trong việc áp dụng tỷ lệ an toàn vốn… nhưng các ngân hàng phải cam kết áp dụng trần lãi suất tiền gửi 14%/năm, và hạ lãi suất cho vay xuống 17-19%/năm.

Chỉ có thể giảm ngắn hạn

Tại cuộc họp chiều qua, theo nguồn tin từ phía NHNN, các ngân hàng tham dự cuộc họp đều đồng thuận và nhất trí với gói giải pháp giảm lãi suất của NHNN để có thể đưa lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh về mức 17-19%.

Cụ thể, trong thời gian tới NHNN sẽ ban hành chính sách tháo gỡ rào cản gây tắc vốn giữa thị trường 1 và thị trường 2 trong hơn 1 năm qua, tạo điều kiện để các ngân hàng có thể sử dụng linh hoạt vốn giữa hai thị trường nhằm tăng tính thanh khoản, vốn khả dụng để tạo tiền đề giảm lãi suất. Tuy nhiên, NHNN cũng sẽ tăng cường việc thanh tra, kiểm soát để đảm bảo an toàn trong hoạt động của các ngân hàng; đặc biệt vẫn duy trì kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng ở mức không quá 20% và tỷ lệ cho vay phi sản xuất như đã đề ra là dưới 16% trong năm 2011.

 

Lãi suất khó giảm trong trung và dài hạn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Lãnh đạo một NHTM cho biết, việc giảm lãi suất theo đồng thuận là có thể, nhưng hiện tại đa phần các ngân hàng chỉ dư cung thanh khoản ngắn hạn, nên trước mắt chỉ có thể giảm lãi suất vay vốn lưu động với kỳ hạn ngắn, còn trung và dài hạn thì “chưa nói trước được điều gì”.

Theo thông tin từ phía NHNN, tính tới ngày 19.8, tổng phương tiện thanh toán (cung tiền M2) tăng 7,83% so với cuối năm 2010; tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2010 và tăng 25,02% so với cùng kỳ năm trước. Một lãnh đạo cấp cao của NHNN cho rằng, các con số trên vẫn đang bám sát mục tiêu đề ra. Đặc biệt tín dụng sản xuất tăng, trong khi phi sản xuất giảm trên 15%. NHNN sẽ tiếp tục điều hòa lượng cung ứng tiền hợp lý để có thể phục vụ mục tiêu giảm lãi suất.

Nguy cơ đình đốn sản xuất

NHNN cũng yêu cầu các NHTM phải cam kết thực hiện trần lãi suất huy động 14%/năm. NHNN sẽ điều tiết nguồn vốn thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý, đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng để cùng nhau đưa lãi suất về mức 17-19%.

Nhận định về gói giải pháp trên, TS Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, chưa dám chắc lãi suất có thể hạ được hay không trong bối cảnh lạm phát tính theo năm vẫn còn khá cao, trên 20%. Tuy nhiên, ông nói: “Thanh khoản ngân hàng tốt hơn, bằng chứng là lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã ở mức khá ổn định và tương đối thấp, lãi suất trái phiếu chính phủ cũng đã giảm. Điều này cho thấy cơ hội để chúng ta giảm lãi suất chút ít là có thực”.

Theo ông Nghĩa, NHNN cần tính đến khả năng nếu không giảm lãi suất để doanh nghiệp bắt đầu đầu tư trở lại thì rất có thể nền kinh tế sẽ rơi vào tình cảnh vừa có lạm phát cao vừa bị đình đốn. “Đình đốn có nghĩa là sản lượng giảm, giá cả lại tăng, đẩy lạm phát tăng trở lại. Vòng xoáy vừa đình đốn vừa lạm phát là rất nguy hiểm”, ông cảnh báo. Cũng theo ông Nghĩa, NHNN nên căn cứ vào tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của từng ngân hàng để điều tiết lượng tăng cung tín dụng sao cho phù hợp, tạo điều kiện để giảm lãi suất.

Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm cũng lo ngại dấu hiệu trì trệ của nền kinh tế đang bộc lộ rõ khi nhiều doanh nghiệp khó khăn. “Cần phải nhanh chóng hạ lãi suất dựa trên sự đồng thuận của các ngân hàng, nhưng tất nhiên NHNN không nên có những biện pháp gây sốc, mà phải dựa trên tín hiệu giảm dần của lạm phát, từ từ đưa lãi suất cho vay xuống. Đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ”, ông Kiêm khuyến nghị.

Trao đổi với Thanh Niên về gói giải pháp giảm lãi suất của NHNN, ông Lê Đức Thọ - Phó tổng giám đốc Vietinbank, tin tưởng lãi suất cho vay “hoàn toàn có thể kéo về mức 17-19% được” vì hiện tại lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Mặt khác, lãi suất cao khiến các doanh nghiệp không dám vay để sản xuất kinh doanh, vì vậy dù muốn hay không các ngân hàng cũng phải cùng nhau tính toán tới việc giảm lãi suất.

Ông Đinh Thế Hiển - Chuyên gia tài chính: Phải có vốn cung ứng cho thị trường

Gốc của vấn đề lãi suất cao không hẳn ở lạm phát cao mà còn là thanh khoản của các ngân hàng. Ngoài áp lực về lợi nhuận, các ngân hàng còn áp lực về hoạt động kinh doanh, thanh khoản. Muốn giảm lãi suất (LS) thì giảm lạm phát chưa đủ mà còn phải có nguồn cung ứng vốn cho thị trường. Thời gian qua, lượng vốn hoạt động của các ngân hàng ít, tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp nên “dư địa” của những tháng cuối năm còn rất lớn. Nguyên nhân của tình trạng này là do cung tiền quá thấp. Quan sát LS trên thị trường liên ngân hàng giảm thấp nhưng cung tiền ít nên LS trên thị trường 1 vẫn còn cao. Nếu không có nguồn cung tiền mạnh từ NHNN thì LS không dễ gì giảm được.

TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp, Đại học Ngân hàng TP.HCM: Khơi thông vốn trên thị trường liên ngân hàng

Tiền rút mạnh, tín dụng tăng chậm thế mà lạm phát vẫn tăng cao, do đó lạm phát ở đây là do chi phí đầu vào tăng. Ở mức LS cao duy trì trong một thời gian dài, nhiều doanh nghiệp cầm cự không nổi phải chết. Số lượng bình quân doanh nghiệp mỗi năm phá sản khoảng 6.000 doanh nghiệp thì từ đầu năm đến nay con số đã lên gấp đôi. Vấn đề ở đây là làm sao giảm được LS trong bối cảnh lạm phát cao như hiện nay. Nguồn vốn trên thị trường liên ngân hàng cần được khơi thông. Hiện nay, nguồn vốn này bị ách tắc bởi quy định tỷ lệ cho vay trên tiền gửi là 80%, vốn thị trường 2 (huy động từ ngân hàng khác) không quá 20%. Các quy định này cần sửa ngay thì LS trên thị trường 1 (huy động từ doanh nghiệp, cá nhân) sẽ giảm xuống. Một biện pháp khác là mở rộng cung tiền, trong khi các năm cung tiền lên đến 23 - 26% thì từ đầu năm đến nay chỉ 4% là quá thấp.

Thanh Xuân (ghi)

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.