Vụ tai nạn xảy ra khi anh Nguyễn Tuấn Tú (28 tuổi, trú tại xã Tân Minh, Thường Tín, Hà Nội) điều khiển hướng từ làng Một Thượng ra QL1A, khi băng qua đường sắt (tại km23+100) đã va chạm với đoàn tàu SE5, đầu máy 922, di chuyển từ ga Hà Nội đi TP.HCM.
Nhiều vụ tai nạn tương tự thường xuyên xảy ra trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, một phần lỗi do người đi đường thiếu quan sát, nhưng nguyên nhân chính xuất phát từ những đường ngang, điểm mở tự phát.
Báo cáo đánh giá công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường sắt năm 2018 cho biết, tính đến ngày 15.11, trên mạng lưới đường sắt quốc gia đã xảy ra 251 vụ TNGT đường sắt, giảm 60 vụ (giảm 19,29%); làm chết 113 người, giảm 29 người (giảm 20,42%); làm bị thương 114 người, giảm 33 người (giảm 22,45%).
Trong đó, có 91 vụ (36,25%) xảy ra tại lối đi tự mở; tại đường ngang 66 vụ (26,29%); tại dọc đường (trong phạm vi khổ giới hạn đầu máy toa xe) 94 vụ (37,45%). Đặc biệt, đã xảy ra 2 vụ đặc biệt nghiêm trọng và 2 vụ rất nghiêm trọng; ngoài ra 103 vụ nghiêm trọng và 144 vụ ít nghiêm trọng.
Theo cục Đường sắt VN, trong năm 2018, các đơn vị đã thực hiện nhiều giải pháp kĩ thuật nhằm gia tăng cảnh báo, hạn chế lối đi tự mở. Cụ thể đã rào chắn, thu hẹp hơn 1.500/2.085 vị trí; cắm biển “Chú ý tàu hỏa” tại 3.050/4.122 vị trí; cắm biển hạn chế phương tiện cơ giới tại 155/813 lối đi tự mở công cộng có chiều rộng từ 3 m trở lên.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã tổ chức cảnh giới ATGT đường sắt tại 240/417 vị trí lối đi tự mở nguy hiểm; xóa bỏ 140 vị trí lối đi tự mở, không phát sinh lối đi mới.
Tại hội nghị về an toàn giao thông đường sắt mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, công tác đảm bảo ATGT đường sắt dù đạt được những kết quả tích cực nhưng chưa bền vững. Việc tồn tại tới 4.122 lối đi tự mở, chiếm tới 73% tổng số giao cắt đường bộ - đường sắt đang là nguy cơ mất an toàn lớn nhất.
Theo thống kê, nhiều địa phương tự bỏ kinh phí xây dựng hệ thống đường gom, hàng rào cách ly dọc đường sắt, rào đóng xóa bỏ các lối đi tự mở nguy hiểm, tổ chức cảnh giới ATGT tại các lối đi tự mở. Điển hình như Đồng Nai giảm 26/40 lối đi tự mở; Hà Nội giảm 16/372 vị trí; Hải Phòng 12/76 vị trí...
Về cảnh giới an toàn, Hải Dương tổ chức cảnh giới tại 62/62 vị trí; Bắc Ninh 11/11 vị trí; Hưng Yên 9/9 vị trí; Khánh Hòa 20/20 vị trí... Tuy nhiên, hiện vẫn còn 11 tỉnh chưa tổ chức cảnh giới tại các lối đi tự mở có nguy cơ xảy ra TNGT cao, như: Lào Cai, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận…
Tại hội nghị, đại diện Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho rằng, cần mở rộng tuyên truyền pháp luật, đảm bảo ATGT đường bộ, đường sắt đến cả 63 tỉnh thành vì qua thực tế điều tra, thống kê tai nạn đường sắt cho thấy các đối tượng bị tàu va chủ yếu là người ở địa phương khác đến. Đồng thời, rà soát lại toàn bộ các lối đi tự mở, xem lối nào phải nâng cấp thành đường ngang, lối nào phải xóa bỏ để chính quyền chủ động kế hoạch thực hiện.
Lãnh đạo Cục Đường sắt cũng cho rằng, cần tăng nội dung, chương trình về pháp luật ATGT đường sắt, nhất là kĩ năng qua giao cắt đường bộ - đường sắt trong chương trình đào tạo, cấp giấy phép lái xe mô tô, ô tô.
Đặc biệt, các địa phương cần chủ động hơn trong việc đảm bảo ATGT đường sắt tại các lối đi tự mở, chủ động tìm nguồn, kể cả xã hội hóa như đóng lối đi, làm hàng rào. Nguyên tắc là giảm lối đi tự mở, không được phát sinh mới.
Bình luận (0)