Giám sát đặc biệt những vụ án “đầu voi đuôi chuột”

25/10/2008 00:29 GMT+7

Hôm qua 24.10, Quốc hội (QH) thảo luận tại Hội trường xung quanh báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát (VKS) nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về công tác thi hành án, của Bộ trưởng Bộ Công an về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp pháp luật và tội phạm.

Nhiều đại biểu (ĐB) tỏ ra hài lòng trước thái độ cầu thị của các cơ quan tố tụng. Tuy công tác điều tra, xét xử còn có những bất cập nhưng các ngành tố tụng đã dám nhìn thẳng vào sự thật, nói lên sự thật. Nhiều vụ án đã khởi tố điều tra nhưng khi phát hiện oan sai, VKS đã ra quyết định chỉ điều tra. Đây là việc làm vô cùng khó khăn, dám thừa nhận sai sót, nhất là khi đã có Nghị quyết về bồi thường cho người bị oan sai.

Nhưng cũng có ĐB cho rằng, để xảy ra oan sai là khó có thể chấp nhận được, vì nó gây hậu quả nặng nề cho người bị oan, ảnh hưởng tới niềm tin của nhân dân; đặc biệt khi mà các tồn tại, yếu kém này đã được nhắc đi nhắc lại ở nhiều kỳ họp QH trước. Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý bày tỏ quan điểm: “Khó có thể chấp nhận được cách giải thích, một số vụ đình chỉ là do không có sự thống nhất trong việc phối hợp giữa các cơ quan”.

Theo các ĐB QH, có nhiều nguyên nhân dẫn đến oan sai: do non kém về trình độ nghiệp vụ của cán bộ điều tra, nhưng cũng có thể do điều tra viên thiếu trách nhiệm và không loại trừ có động cơ trục lợi cá nhân. Một số ĐB chưa thỏa mãn với báo cáo của ngành công an, VKS khi các báo cáo này chưa phân tích được rạch ròi về tỷ lệ các vụ án bị đình chỉ điều tra, bị sửa và bị hủy do từng nguyên nhân gây ra.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của QH Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Báo cáo của ngành, cũng như trong phát biểu của lãnh đạo ngành tôi thấy chưa nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này”. Ông Thuyết đề nghị: “Với những vụ án “đầu khủng long, đuôi thạch sùng” thì 4 ngành bảo vệ tư pháp phải nghiêm túc đánh giá xem có tiêu cực hay không”. ĐB Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) lên tiếng: “Đề nghị thành lập đoàn giám sát đặc biệt với các vụ án này, vì sao có tình trạng đầu voi đuôi chuột?”.

Còn ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) hiến kế để hạn chế việc sửa án, hủy án, đình chỉ điều tra: “Phải có quy định, quy trách nhiệm cho những người để xảy ra oan sai. Với những trường hợp biết sai nhưng vẫn làm thì phải xử lý nghiêm, thậm chí là truy tố”.

Trước con số báo cáo về lượng án bị tồn đọng của Chánh án TAND tối cao, có ĐB thốt lên rằng "không thể chấp nhận", vì nó đã lặp đi lặp lại từ QH khóa XI, trong khi người dân đang mong đợi được giải quyết. Nhưng ĐB Trần Thị Phương Hoa (Nam Định) lại có cái nhìn chia sẻ với ngành tòa án.

Theo ĐB Hoa, có những vụ án bị tồn do án không khả thi, án không có điều kiện thi hành sau khi tuyên, chẳng hạn như vụ cháy chợ ở Quy Nhơn (Bình Định), tòa án tuyên người bảo vệ phải bồi thường cho các hộ kinh doanh lên tới 9 tỉ đồng. Vì thế dù có cố gắng nhưng cơ quan thi hành án cũng không thể thi hành được.

Các ĐB lo lắng trước báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công an về tỷ lệ vi phạm pháp luật của học sinh, sinh viên có chiều hướng gia tăng, nhưng báo cáo lại chưa chỉ ra được các nguyên nhân. Có ý kiến nhận xét, tội phạm thanh thiếu niên gia tăng là do chúng ta chưa quản lý được thị trường băng, đĩa độc hại, chưa đầu tư cho công tác tuyên truyền pháp luật, chưa có biện pháp hữu hiệu để quản lý thanh niên đi làm ăn xa quê.

Xung quanh tình trạng tội phạm trong lĩnh vực môi trường tăng mạnh, nhiều ĐB phân tích có nguyên nhân từ việc không ít địa phương đã quá chú trọng đến việc thu hút đầu tư mà quên mất việc bảo vệ môi trường; mặt khác cũng không loại trừ khả năng các cơ quan quản lý cố tình làm ngơ, phát hiện vi phạm rồi nhưng lại đùn đẩy trách nhiệm xử lý.

ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) chua chát: “Kể từ khi ban hành đến nay, Điều 183 của Bộ luật Hình sự quy định về hành vi vi phạm gây ô nhiễm nguồn nước vẫn chỉ nằm trên giấy”. Một số đại biểu cũng bức xúc việc gần đây nhiều vụ vi phạm quy định về môi trường được phát hiện, nhưng đến thời điểm này chưa có cán bộ công chức nào bị xử lý hành chính do liên quan đến việc này.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.