Trước diễn tiến phức tạp của virus Zika (virus gây nên chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và viêm rễ dây thần kinh), ngành y tế TP.Đà Nẵng đã chủ động triển khai công tác phòng dịch.
Dọn vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy là cách làm tích cực để phòng chống virus Zika lây lan - Ảnh: D.Hiền |
Ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng đã trả lời phỏng vấn PV Thanh Niên về công tác này.
* Thưa ông, Đà Nẵng sẽ đối mặt với nguy cơ lây lan virus Zika như thế nào?
- Hiện Đà Nẵng là địa phương có sân bay, cảng biển quốc tế… số lượng du khách từ các nơi trên thế giới đổ về rất lớn nên nguy cơ virus Zika xâm nhập là rất lớn. Bên cạnh đó, dịch sốt xuất huyết 2 tháng gần đây tại Đà Nẵng có giảm so với tháng 1 và 2, nhưng lượng mắc bệnh rải rác còn nhiều. Đó cũng là một nguy cơ đối với dịch bệnh do virus Zika. Lo ngại nhất là dịch virus Zika hiện chưa có vắc xin phòng dịch và triệu chứng người nhiễm virus rất giống với bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, như: sốt cao, đau cơ, đau khớp, phát ban đỏ… 80% người mang virus Zika nhưng không có triệu chứng. Chỉ có xét nghiệm mới có thể biết rõ được là bệnh nhân có virus Zika không.
* Ngành y tế TP.Đà Nẵng đã triển khai công tác phòng dịch như thế nào thưa ông?
- Hiện ngành y tế TP.Đà Nẵng đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân tích cực tổ chức diệt loăng quăng, bọ gậy... qua đó ngăn chặn mầm mống trung gian truyền virus Zika. Bên cạnh đó chúng tôi cũng tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ y tế cơ sở phát hiện sớm những triệu chứng sốt do virus Zika. Chúng tôi cũng tổ chức tập huấn giám sát bệnh do virus Zika cho 100 cán bộ y tế. Bên cạnh đó, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tất cả những trường hợp nghi nhiễm bệnh để tầm soát, phát hiện dịch sớm nhằm khoanh vùng dịch. Hiện Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng cũng đã gửi 16 mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân đang điều trị tại Đà Nẵng vào Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm, khoanh vùng kiểm tra và đang chờ đợi kết quả.
Bình luận (0)