Sáng 24.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88 năm 2014 và Nghị quyết số 51 năm 2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Một trong những nội dung giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là vấn đề hiệu quả sử dụng kinh phí trong xây dựng chương trình, sách giáo khoa |
ngọc thắng |
Đây là một trong 2 chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2023.
Báo cáo kế hoạch giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, nội dung giám sát tập trung đánh giá việc ban hành chính sách, pháp luật và công tác quản lý nhà nước về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn 2014 - 2022.
Bên cạnh đó, đánh giá kết quả thực hiện và bài học kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả các nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Quốc hội.
Về nội dung này, ông Vinh cho hay, đoàn giám sát sẽ tập trung đánh giá Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa ở các phương diện: Mức độ đáp ứng mục tiêu; việc thiết kế, xây dựng chương trình; việc đáp ứng nội dung đổi mới; đổi mới phương pháp giáo dục; đổi mới đánh giá chất lượng (thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh,…); biên soạn, thẩm định, phê duyệt, xuất bản, phát hành, lựa chọn sách giáo khoa giáo dục phổ thông…
Ngoài ra, đoàn giám sát cũng sẽ tập trung đánh giá các điều kiện bảo đảm thực hiện chương trình (đội ngũ nhà giáo; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học).
Cùng với đó là đánh giá nguồn kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; việc sử dụng ngân sách, huy động nguồn lực xã hội hoá và hiệu quả sử dụng kinh phí; cũng như đánh giá tiến độ, lộ trình thực hiện chương trình.
Nêu ý kiến sau đó, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị nội dung giám sát tách riêng 2 nội dung Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa vì đây là 2 nội dung do các chủ thể khác nhau thực hiện và ở các giai đoạn khác nhau.
Thông tin thêm, ông Nguyễn Đắc Vinh, nội dung giám sát đã xác định chia tách 2 vấn đề chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa rõ ràng.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng từ năm 2014 khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 88. Còn việc triển khai chương trình có nhiều vấn đề khác nhau, ngoài sách giáo khoa còn giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, kể cả kinh phí thực hiện…
“Kinh phí cho chương trình này có đảm bảo và có sử dụng hiệu quả hay không? Ví dụ 1 chuyện, kinh phí vay để xây dựng bộ sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT nhưng cuối cùng không thực hiện được, phải trả lại. Đánh giá việc này thế nào cũng phải xem xét”, ông Vinh nêu.
Theo kế hoạch, đối tượng của cuộc giám sát gồm Chính phủ, Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, Bộ VH-TT-DL, Bộ LĐ-TB-XH, chính quyền 63 tỉnh, thành và các đơn vị liên quan như các trường phổ thông, các nhà xuất bản…
Vi phạm trong biên soạn, thẩm định, xuất bản, phát hành sách giáo khoa
Trước đó, tại kỳ họp 19, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ GD-ĐT nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Ủy ban Kiểm tra T.Ư cho rằng, Ban cán sự đảng Bộ GD-ĐT đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để Bộ GD-ĐT và một số tập thể, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác cán bộ; xây dựng, ban hành thể chế, chính sách; thực hiện một số dự án đầu tư công; trong biên soạn, thẩm định, xuất bản, phát hành sách giáo khoa; tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 và năm 2021, một số cán bộ, đảng viên trong ngành bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.
Trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban cán sự đảng Bộ GD-ĐT và các ông, bà: Phùng Xuân Nhạ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng; Nguyễn Hữu Độ, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng; và một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ GD-ĐT; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ GD-ĐT.
Theo Ủy ban Kiểm tra T.Ư, những vi phạm, khuyết điểm nêu trên đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành T.Ư về GD-ĐT; nguy cơ gây thất thoát, lãng phí lớn tiền, tài sản của Nhà nước, nguồn lực của xã hội; gây bức xúc trong hân dân; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, ngành giáo dục, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Bình luận (0)