“Không có trường hợp oan sai nào nổi cộm, gây bức xúc lớn trong dư luận. Hai ngày làm việc chưa phải là kết luận chính thức cho một việc cụ thể, đoàn giám sát sẽ tiếp tục rút một số hồ sơ có dấu hiệu oan sai để giải quyết triệt để cho dân”.
Ông Phạm Văn Gòn, Viện trưởng Viện KSND TP.HCM trả lời chất vấn của đoàn giám sát - Ảnh: Phan Thương
|
Đó là kết luận của ông Uông Chu Lưu, Phó chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình oan sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự tại TP.HCM sau hai ngày (18 và 19.12) giám sát.
Ông Phạm Văn Gòn, Viện trưởng Viện KSND TP.HCM, cho biết trong 3 năm gần đây cơ quan này chỉ có 3 trường hợp oan sai phải bồi thường trên địa bàn Q.Gò Vấp với tổng số tiền gần 400 triệu đồng. Trong đó, có một vụ đã giải quyết xong, còn 2 vụ thì đang chờ. Riêng tòa án và công an, đại diện hai cơ quan này khẳng định không có trường hợp nào yêu cầu đòi bồi thường oan sai.
|
Bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cho rằng qua xem xét 8 quyết định đình chỉ điều tra mà Viện KSND cung cấp cho đoàn giám sát, tổng hợp nhiều ý kiến thành viên trong đoàn thì có nhiều trường hợp đình chỉ không đúng, oan rồi nhưng nêu lý do hành vi không còn nguy hiểm nữa nên ra quyết định đình chỉ, miễn truy tố trách nhiệm hình sự.
“Tôi hiểu vì chưa có hướng dẫn cụ thể nên khoản 1 điều 25 BLHS rất khó vận dụng. Nhưng vì nó tù mù như thế nên dường như đây là túi đựng để các anh thấy khó thì cứ dồn vào đấy”, bà Nga nói.
Ông Nguyễn Thái Học, Ủy viên Ủy ban Tư pháp cho rằng: “Tự kiểm tra, tự phát hiện ra oan sai của các cơ quan tố tụng dường như không có. Thế mà, khi có oan sai, lại xử lý rất chậm, vậy là nguyên nhân do đâu?”. Đồng tình, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói: “Đã sai rồi mà bồi thường quá chậm chạp, quá nhiêu khê gây bức xúc, khó khăn cho dân. Đồng tiền đúng là quan trọng nhưng đừng đặt nặng quá. Oan đã rõ, chỉ mỗi việc bồi thường cho người ta mà mất 5 - 10 năm cũng không xong thì đừng hỏi sao dân phải đi kêu nhiều”.
Bình luận (0)