Giảm thuế bảo vệ môi trường để hạ nhiệt giá xăng

03/03/2022 07:06 GMT+7

Giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ tác động kéo theo giá hàng loạt sản phẩm khác đi lên, khiến người tiêu dùng , doanh nghiệp lẫn nền kinh tế đều chịu thiệt.

Trong khi đó theo quy định hiện hành, mỗi lít xăng (trừ ethanol) bị áp thuế bảo vệ môi trường (BVMT) cố định là 4.000 đồng/lít, dầu diesel 2.000 đồng/lít, nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít. Chưa tính các loại thuế khác như giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, nhập khẩu thì tỷ lệ thuế BVMT này đã chiếm 15% trên giá xăng.

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhận định các loại thuế đánh vào xăng dầu hiện quá nhiều. Chẳng hạn, thuế giá trị gia tăng đối với các sản phẩm đang chịu mức thuế 10% từ đầu tháng 2 đã được giảm xuống 8% nhưng xăng dầu thì lại không thuộc nhóm được giảm. Tương tự, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng là 10% cũng chưa được xem xét lại.

Song song đó, thuế BVMT lên đến 4.000 đồng/lít đã khiến giá xăng trong nước cao hơn nhiều quốc gia. Việc áp mức thuế “cứng” này trong các năm qua khiến cho giá xăng dù tăng hay giảm thì người tiêu dùng cũng phải gánh chịu một khoản tiền khá lớn. Ông cho rằng một số quốc gia cũng có áp thuế BVMT với nhiều loại hàng hóa khác nhau, nên VN cũng cần phải xem xét tương tự. Thay vì đặt mức cao với xăng dầu thì nên giảm xuống.

PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng chỉ đưa ra mức thuế theo tỷ lệ tương đối thay vì tuyệt đối như hiện tại. Chẳng hạn, chỉ quy định thuế BVMT đối với xăng là 10%. Nếu trong thời gian giá xăng dầu thế giới hạ nhiệt, quay trở lại mức 20.000 đồng/lít thì thuế BVMT của mỗi lít xăng chỉ là 2.000 đồng; nếu xăng vẫn tiếp tục tăng lên 30.000 đồng/lít thì thuế này lên 3.000 đồng… Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng cho rằng dù trong đợt này chưa xem xét sửa đổi các chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt hay thuế giá trị gia tăng nhưng riêng đối với xăng dầu, thì đây là sản phẩm đặc biệt có tác động đến đầu vào của tất cả hàng hóa khác nên Chính phủ cần phải xem xét điều chỉnh, có thể giảm như chính sách thuế giá trị gia tăng với các hàng hóa khác trong một thời gian.

Chủ xe khách “lòng như lửa đốt” vì giá xăng dầu tăng mãi không ngừng

PGS-TS Phạm Thế Anh, Trường đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), nhận định đối với xăng dầu, cần bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt. Sắc thuế này chỉ nên đánh vào những hàng hóa dịch vụ gây hại, không khuyến khích, hàng hóa xa xỉ trong khi xăng dầu là hàng hóa thiết yếu. Do vậy, không nên tính thuế tiêu thụ đặc biệt. Hơn nữa, dù xăng dầu gây ảnh hưởng môi trường, không khuyến khích tiêu dùng nhiều nhưng đã có thuế tiêu thụ đặc biệt, mà còn tính thuế BVMT là không phù hợp.

Song song đó, thuế BVMT có thể điều chỉnh xuống còn 3.000 đồng/lít thay vì 4.000 đồng/lít như hiện nay. Đồng thời đưa mặt hàng này vào diện được giảm thuế giá trị gia tăng 2% như các loại hàng hóa đang được giảm thuế này để hỗ trợ nền kinh tế trong năm 2022. Việc giảm một số loại thuế như trên sẽ không ảnh hưởng đến nguồn thu dài hạn nhưng có tác động ngay lập tức để giảm giá xăng, kìm chế được nguy cơ hàng hóa tăng giá mạnh.

“Tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu khoảng 40%, là gánh nặng với người dân do VN có thu nhập thấp hơn. Ví dụ so với Trung Quốc, thu nhập bình quân đầu người họ gấp 3 lần mình nhưng giá xăng của VN lại tương đương. Tổng thể, VN có thu nhập thấp nhưng giá xăng cao nên cần cắt giảm. Còn cắt giảm bao nhiêu, nhiều ít gì thì tùy thuộc vào khả năng cân đối ngân sách của Bộ Tài chính. Có thể cắt giảm tỷ trọng xuống còn 20% so với mức giá hiện nay để hỗ trợ nền kinh tế”, PGS-TS Phạm Thế Anh chia sẻ thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.