Vua Minh Mạng cũng mong muốn “Nhân hưng liêm nhượng khoa” (giảm thuế má để cho dân hưng thịnh), bởi vậy mà ông nhiều lần ra chiếu chỉ giảm thuế cho dân và trừng phạt nghiêm khắc tình trạng lạm thu, ức hiếp dân chúng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa lúc nước sôi lửa bỏng của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm vẫn mong ước đến ngày hòa bình sẽ miễn thuế nông nghiệp cho dân...
Tóm lại, khoan sức dân là thượng sách giữ nước, thượng sách dựng nước, thượng sách phát triển đất nước bền vững.
Thuế là nguồn thu cho hoạt động của bộ máy nhà nước và nền kinh tế. Muốn giảm thuế để khoan sức dân thì Nhà nước phải giảm chi tiêu, phải chi cho đúng công việc của quốc gia và triệt để không chi tiêu phung phí.
Nước ta còn nghèo, thuế thu của dân không đủ chi nên hằng năm phải vay mượn thêm, nên thường xuyên bội chi ngân sách. Từ đầu năm đến nay do lạm phát tăng cao, mức sống của người ăn lương giảm sút. Để kiềm chế lạm phát, Chính phủ quyết thắt chặt chính sách tài khóa, tức là giảm 10% chi tiêu công. Và tại kỳ họp đầu tiên tới đây của Quốc hội mới, Chính phủ sẽ trình phương án giảm thuế thu nhập cá nhân, đồng thời cũng đề nghị miễn, giảm hoặc giãn thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính sách này đưa ra nhằm xử lý một vấn đề kinh tế nóng bỏng, nhưng đó chính là khoan sức dân, được toàn dân đồng thuận.
Nhưng giảm thu mà không triệt để chống chi tiêu phung phí thì rất có thể khiến cho những công việc quốc kế dân sinh của nhà nước bị ách tắc do thiếu hụt ngân sách. Bởi vậy bài toán cân đối ngân sách không hề dễ giải. Ở đây có 3 vấn đề mấu chốt đáng lưu ý:
Thứ nhất, việc giảm gánh nặng thuế má không hẳn là giảm thu. Sự đồng thuận về chính sách sẽ khiến cho người dân và doanh nghiệp làm ăn hăng hái hơn, số người và tổ chức nộp thuế sẽ nhiều lên. Hoặc năm nay có thể giảm thu nhưng sẽ tạo nền tảng tăng thu tốt hơn cho những năm sau. Việc giảm gánh nặng thuế má phải đặt thành một kế sách dài lâu chứ không phải là việc chữa cháy mỗi khi có lạm phát hoặc “khó khăn đột xuất”.
Thứ hai, việc thắt chặt chính sách tài khóa theo hướng giảm 10% chi tiêu công như năm 2008 và năm nay rất có khả năng đâu trở về đấy, tức là khi không còn áp lực lạm phát nữa thì chi tiêu của Nhà nước sẽ tăng lên như cũ. Vì vậy, ngay cả việc chống tiêu xài phung phí được thực hiện triệt để đi chăng nữa thì việc giảm chi từ ngân sách phải đi đôi với cắt giảm việc của cơ quan nhà nước theo hướng mà nhiều vị lãnh đạo nước ta từng nói: “Nhà nước chỉ làm những gì mà người dân không làm được”. Hiện nay vẫn còn quá nhiều đầu việc hành chính công chưa được “xã hội hóa” hoặc “xã hội hóa” còn hết sức hạn chế.
Thứ ba là sự công bằng về thuế. Theo luật thì tội trốn thuế nhẹ thì bị phạt hành chính, nặng phải xử tù, nhưng tình trạng trốn thuế ở nước ta tràn lan, ai cũng thấy nhưng chưa thấy các cơ quan chức năng có biện pháp. Ví dụ rõ nhất là rất nhiều khách sạn, nhà hàng, cửa hàng lớn (không kể các hộ nhỏ nộp thuế khoán) khi bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ đã không có hóa đơn thuế giá trị gia tăng (VAT), ai cần thì mới ghi và không ít nơi khách hàng muốn có hóa đơn VAT phải nộp thêm 10% tiền thuế, có nghĩa là tất cả những mua bán không ghi hóa đơn VAT đều trốn thuế cả. Đây vừa là khoản thất thu khổng lồ vừa gây ra sự bất công nghiêm trọng về thuế, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp chấp hành nghiêm và doanh nghiệp không chấp hành. Khắc phục tình trạng này được không? Chắc chắn là được, vì các nước làm được thì tại sao nước ta lại không!
Sự bất công về thuế còn thể hiện ở chính sách bảo hiểm xã hội khi hưu trí. Ví dụ, cùng là cán bộ hưởng lương theo bảng lương của Nhà nước, nhưng một người có thu nhập thêm gấp 10 lần mức lương đó do có sáng kiến, do làm thêm, anh ta phải nộp thuế thu nhập cá nhân gấp 10 lần người không có sáng kiến, không làm thêm, nhưng khi về hưu anh ta chỉ nhận được một khoản trợ cấp hưu trí hằng tháng bằng người có đóng góp ít hơn anh ta 10 lần.
Nếu tạo được sự công bằng về thuế, vừa chống thất thu vừa khuyến khích người nộp thuế thì dù mức thuế giảm cũng sẽ khiến cho số thuế thu được tăng lên.
Hoàng Hải Vân
Bình luận (0)