Những dự án này khởi đầu cho hàng loạt cầu vượt sẽ được xây dựng trong năm nay.
Hiệu quả rõ ràng
Hơn 1 tháng sau ngày thông xe 2 cầu vượt bằng thép tại ngã tư Thủ Đức trên xa lộ Hà Nội (Q.9, Q.Thủ Đức) và ngã tư Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh), phóng viên Thanh Niên ghi nhận tình hình giao thông tại hai giao lộ này đã trở nên thông thoáng hơn rất nhiều so với trước đây. Tại ngã tư Hàng Xanh, các loại ô tô con, xe khách và xe tải tổng trọng tải dưới 10 tấn chuyển sang lưu thông trên cầu vượt theo hướng đường Điện Biên Phủ. Nhờ vậy, lượng xe ô tô lưu thông bên dưới cầu vượt đã giảm đi phần nào. Còn tại ngã tư Thủ Đức, đã không còn cảnh ô tô con cùng xe khách, xe tải, xe container nối đuôi nhau xếp hàng dài trên xa lộ Hà Nội dừng chờ đèn đỏ; xe lưu thông trên đường Võ Văn Ngân cũng thuận lợi hơn.
|
Ông Phùng Đăng Hải, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã vận tải TP.HCM chia sẻ: "Từ khi có cầu vượt tới nay, cảnh ùn tắc đã chấm dứt. Riêng đối với xe buýt, hành trình từ ngã tư Hàng Xanh đến Đại học Quốc gia TP.HCM đã rút ngắn được từ 15 - 20 phút, không còn bị chậm trễ chuyến nữa. Điều này rất phấn khởi đối với hành khách, nhất là sinh viên, vì các em không còn lo bị trễ giờ học như trước và nhiều em đã chuyển sang đi xe buýt thay cho xe máy".
Trong khi đó, cây cầu vượt thứ ba tại vòng xoay Lăng Cha Cả (đường Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ - Lê Văn Sỹ, Q.Tân Bình) đã mau chóng được khởi công hồi trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Theo thiết kế, cầu vượt này có tổng chiều dài 240 m, rộng 6,5 m, cho phép xe chạy với vận tốc là 40 km/giờ. Cầu gồm 2 làn xe (một làn cho xe ô tô và một làn cho xe hỗn hợp). Tranh thủ thời gian nghỉ tết đường vắng, các kỹ sư, công nhân công trình này đã khẩn trương thi công, kể cả mùng 1 tết, làm việc 3 ca liên tục để đẩy nhanh tiến độ, cố gắng hoàn thành dự án vào tháng 6.2013.
|
Ngoài ra, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở GTVT đầu tư xây dựng thêm cầu vượt bằng thép tại các nút giao thông trọng điểm khác. Trước mắt, dự kiến vào 30.4 sẽ khởi công cầu vượt tại bùng binh Cây Gõ (Q.11), nút giao thông Nguyễn Tri Phương - Ba Tháng Hai - Thành Thái - Lý Thái Tổ (Q.10) và tại giao lộ Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa (Q.Tân Bình). UBND TP cũng sẽ sớm cho phép đầu tư một cầu vượt bằng thép song song với cầu vượt hiện nay tại ngã tư Thủ Đức để hoàn thiện mặt cắt ngang cầu với 8 làn xe theo quy hoạch trên xa lộ Hà Nội.
Phải là giải pháp lâu dài
TS Vũ Xuân Hòa, Giám đốc Công ty CP tư vấn xây dựng Bách Khoa cho rằng, xây thêm cầu vượt cũng giống như căn nhà trệt có thêm tầng lầu, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả. Do vậy, giải pháp này cần được chọn để xây dựng ở những vị trí bức bách về giao thông hiện nay. Thạc sĩ Phạm Sanh, giảng viên Trường đại học GTVT TP.HCM cũng đánh giá cao tính khả thi của giải pháp xây dựng cầu vượt bằng thép, bởi ưu điểm là thời gian thi công rất nhanh do hầu hết vật tư chính đã được chế tạo trong nhà máy, chỉ lắp ghép tại công trường nên thời gian phong tỏa giao thông ít. Tuy nhiên, ông cho rằng không nên xem cầu vượt bằng thép là giải pháp tạm thời mà phải nghĩ đến lâu dài, vĩnh cửu (100 năm), đồng thời nên thiết kế cho cả xe máy lưu thông trên cầu vượt. Như vậy, vật liệu thép để xây dựng cầu vượt phải là thép hợp kim, không làm bằng thép truyền thống sẽ mau chóng bị gỉ sét, xuống cấp, giảm tuổi thọ công trình. Ngoài ra, thạc sĩ Phạm Sanh và TS Vũ Xuân Hòa cùng cho rằng khi xây dựng cầu vượt với số lượng đại trà, thì phải nghiên cứu phát triển theo quy hoạch giao thông tổng thể của thành phố, đồng thời cần quan tâm đến yếu tố thẩm mỹ khi xây dựng trong nội thành.
Cũng ủng hộ giải pháp xây dựng cầu vượt bằng thép, nhưng ông Lương Hoàng Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho rằng việc xây dựng, phát triển cầu vượt phải cân nhắc, không thể thấy chỗ này thành công lấy áp cho chỗ khác. Ông đề nghị khi xây dựng cầu vượt nên thiết kế những trụ cầu đơn ít tốn diện tích, giống như cầu vượt tại ngã ba Cát Lái, đừng như trụ cầu vượt ngã tư Thủ Đức quá lớn, làm hạn chế diện tích mặt đường bên dưới. Còn theo ông Phùng Đăng Hải, "cầu vượt bằng thép chỉ phát huy hiệu quả ở những nút giao thông có mặt đường rộng, còn với mặt đường hẹp, coi chừng tác dụng ngược".
Theo Sở GTVT TP.HCM, dự kiến năm 2013 sẽ nghiên cứu triển khai thêm nhiều cầu vượt bằng thép tại các nút giao thường xuyên bị ùn tắc. Đó là các cầu vượt cho xe gắn máy trên đường Võ Thị Sáu, gồm các giao lộ: Hai Bà Trưng (Q.1), Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3) và cầu vượt băng qua vòng xoay công trường Dân Chủ (Q.3, Q.10). Dọc đường 3 Tháng 2 đi qua các ngã tư dự kiến xây dựng nhiều cầu vượt hai chiều cho xe gắn máy và ô tô con. Cầu vượt tại các giao lộ: Cộng Hòa - Trường Chinh (Q.Tân Bình), Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ (Q.1, Q.5), ngã sáu Nguyễn Tri Phương (Q.10); cầu vượt cho xe gắn máy trên trục đường Điện Biên Phủ qua các ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur, Hai Bà Trưng, Đinh Tiên Hoàng. Nút giao thông ngã sáu Gò Vấp cũng có dự án xây dựng cầu vượt cho xe lưu thông theo trục đường Nguyễn Kiệm - Nguyễn Oanh (giai đoạn 1) và xây dựng thêm một hầm chui 4 làn xe lưu thông hai chiều (giai đoạn 2). Đình Mười |
Mai Vọng
>> Thông xe 2 cầu vượt bằng thép đầu tiên tại TP.HCM
>> Ngắm hai cầu vượt bằng thép trước ngày thông xe tại TP.HCM
>> Khởi công cầu vượt Hoàng Văn Thụ - Cộng Hòa trước tết
>> Hợp long cầu vượt Hàng Xanh
>> Hợp long cầu vượt ngã tư Thủ Đức
Bình luận (0)