Hôm nay (16.8), bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết: Bệnh nhi N.T.H.V (13 tuổi, nữ, ngụ Tiền Giang) nhập vện trong tình trạng lừ đừ, nôn ói, chóng mặt, mạch nhanh, tay chân lạnh,…
Gia đình cho biết vì giận ba không cho đi nối tóc nên em V. đã tự uống 40 viên thuốc paracetamol 500 mg. Thuốc có sẵn trong nhà để uống trị nhức đầu cảm cúm. Sau 2 giờ uống thuốc, em chóng mặt, buồn nôn, mệt và nhắn tin cho ba biết tình hình.
Bệnh nhi được đưa ngay vào bệnh viện địa phương, rửa dạ dày và được cho uống than hoạt tính. Tuy nhiên, tình trạng không cải thiện, em N. tiếp tục đừ mệt, nôn ói. Xét nghiệm máu cho thấy men gan tăng rất cao, hơn 20 lần so với bình thường. Bệnh nhi lập tức được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, các bác sĩ đánh giá bệnh nhi suy gan cấp, ngộ độc, nguy kịch. Bệnh nhi được điều trị tích cực, tăng thải và truyền thuốc giải độc tính paracetamol.
Hôm nay (sau 3 ngày điều trị), em V. đã cải thiện dần, men gan giảm đáng kể và tỉnh táo. Bệnh nhi tiếp tục được theo dõi tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc và được hỗ trợ tâm lý với các chuyên gia tâm lý của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Bác sĩ Thy khuyến cáo, paracetamol là thuốc hạ sốt thông thường nhưng vẫn có thể gây ngộ độc nặng, tổn thương gan nặng nề, nguy hiểm đến tính mạng nếu sử dụng không đúng chỉ định, không đúng liều.
Đồng thời, theo bác sĩ Thy: “Giai đoạn vị thành niên, dậy thì là khoảng thời gian trẻ phát triển và thay đổi tâm sinh lý rất nhiều. Trẻ cần được quan tâm, giải thích và thông cảm của phụ huynh. Phụ huynh nên quan tâm, chia sẻ với trẻ, tránh ép buộc, áp đặt, gây xáo trộn tâm lý trẻ, đưa đến trẻ có những suy nghĩ nông cạn, hành động nông nổi, nguy hiểm đến tính mạng”.
Bình luận (0)