Anh Tâm kể kỷ niệm về lần nguy hiểm nhất mà anh trải qua trong cái nghề khá đặc biệt này. Đó là lúc con hổ Ratu mang thai, nó trở nên rất khó chịu và thậm chí còn vồ anh bị thương một bên vai. Vết thương không quá nghiêm trọng nhưng cũng để lại sẹo. Khi tôi hỏi tiếp thế kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh là gì. Anh trả lời cũng liên quan đến con Ratu. Khi Ratu, một giống hổ Đông Dương, sinh nở, nó chuyển dạ rất lâu, đau đớn mà mãi không sinh được. Bác sĩ phải chích thuốc giục sinh cho nó. Cuối cùng, Ratu mẹ tròn con vuông. Vào lúc Ratu rất yếu, không chịu ăn uống gì, anh Tâm đã đổ sữa trong lòng bàn tay và dỗ dành con thú dữ liếm láp cho lại sức. Một cảm giác rất đặc biệt xuất hiện trong lòng anh Tâm khi con hổ cái từng hung dữ ngày nào đang liếm sữa ngay trong lòng bàn tay mình.
Từ đó, mỗi lần trở lại Thảo Cầm Viên hay dắt các cháu đến đây chơi, tôi đều nhớ đến những công nhân thầm lặng như anh Tâm, làm công việc giản dị của mình với tất cả tấm lòng nâng niu, tận tụy.
|
Lần khác, tôi có dịp tiếp xúc với đội cứu hộ cây xanh ở TP.HCM. Các anh có nhiệm vụ dọn dẹp những cây xanh bị gãy đổ bất ngờ do mưa bão, hoặc định kỳ thăm khám và xử lý những cây xanh quá già hay sâu bệnh. Trong đội, có một bạn còn rất trẻ, chỉ tầm 20 – 22 tuổi, kể về cảm giác lần đầu tiên treo mình ở độ cao 20 mét để cưa các cành dễ gãy của một cây cổ thụ trong thành phố, nhằm đảm bảo an toàn dân sinh. Bạn ấy cũng chia sẻ về lần dành cả buổi sáng để dọn dẹp cây xanh gãy đổ khi mưa bão ảnh hưởng trực tiếp đến Cần Giờ.
Khi công việc hoàn tất, cảm nhận mà chàng trai trẻ có trong lòng là hạnh phúc. Vì đã góp phần giúp người dân Cần Giờ trở lại nhịp sống bình thường sau cơn bão. Khi bạn đặt chân đến đây, Cần Giờ tan hoang bởi cảnh cây cối gãy đổ la liệt, bầu trời xám xịt và gió lạnh vẫn thổi. Khi đội cứu hộ làm việc xong, Cần Giờ đã trở lại với khung cảnh hằng ngày, sẵn sàng cho những sinh hoạt, giao thông thuận tiện và sản xuất cũng không bị ngưng trệ.
Khoảng 10 năm trước, tôi còn nhớ có một quán cà phê ở đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận có tên là Guitar Gỗ. Ngày ấy Guitar Gỗ thiết kế một không gian mộc mạc với bàn, ghế bằng gỗ, bé xinh… Đêm cuối tuần, các nhạc sĩ đàn guitar và ca sĩ hát nhạc Trịnh, nhạc bolero. Quán Guitar Gỗ là nơi tụ họp của những ai yêu mến guitar. Ngày ấy, tôi rất thú vị khi được cho biết giới chơi nhạc ví piano (đàn dương cầm) là hoàng đế, violon (đàn vĩ cầm) là nữ hoàng, còn guitar là chàng hoàng tử lang thang. Vì đặc tính đó mà guitar len lỏi vào đời sống tinh thần của những người bình dân chứ không chỉ là cuộc chơi của những ai khá giả, những chủ sở hữu của đàn vĩ cầm và dương cầm. Những nhạc sĩ, ca sĩ trình diễn không phải là những tên nổi tiếng nhưng có lòng say mê và trân quý đặc biệt dành cho guitar. Tôi nhớ có những đêm không gian thật lắng đọng, ấm cúng và tràn đầy tình cảm khi tiếng đàn guitar trầm ấm cất lên, tạo nên một góc rất riêng trong lòng thành phố.
Cách đây khoảng 7 – 8 năm, tôi có tìm đến quán Guitar Gỗ nhưng không gian mà ngày ấy tôi cảm nhận lại không còn nữa. Đã lâu rồi tôi không đi ngang con đường đó…
Ôn lại những kỷ niệm này, tôi cảm thấy trân quý những con người thầm lặng, đã sống một cuộc đời: “giản dị và bình tâm”, “không ai nhớ mặt đặt tên”, nhưng họ góp phần làm nên thành phố. Bằng tinh thần trách nhiệm, bằng tình yêu thương, sự trân quý cái đẹp, những giá trị tinh thần, họ đã tạo nên một Sài Gòn sống động, muôn màu.
* Tựa đề là câu thơ trong bài thơ Đất nước (Nguyễn Khoa Điềm)
|
Bình luận (0)