Trong bữa ăn sáng nay trước giờ đến trường, nhìn trang nhất các tờ báo mà người giao báo mới đưa đến còn nằm trên bàn, đứa con đang học lớp 5 hỏi: “ Tại sao phải gian lận điểm thi vậy ba mẹ?”. Chúng tôi trả lời do người ta muốn đậu vào trường tốt. Đứa bé 10 tuổi ngạc nhiên, hỏi: “Nếu không vào được thì thi lại chớ sao phải gian lận? Còn nếu muốn thi đậu sao không cố gắng học tốt đi!”.
Đó là điều hiển nhiên, bình thường mà bất kỳ người nào cũng biết vì chúng ta được giáo dục như vậy. Nhưng khi đứa trả đặt vấn đề trong tình huống này, người lớn chúng ta cảm thấy hổ thẹn, cay đắng.
Vì thế, vụ việc gian lận điểm thi này, sau tất cả là những mất mát quá lớn về niềm tin.
Bài học nào cho con trẻ ?
Hàng ngày, từ nhà, đến trường và ra ngoài xã hội, chúng ta luôn dạy cho học sinh phải sống trung thực, phải làm điều tốt, không được tiếp tay cho cái xấu, cái ác. Bài học chỉ có tác dụng khi có thực tiễn chiếu rọi. Học sinh sẽ tin vào những gì thầy cô hay cha mẹ rao giảng không khi chính những bậc cha mẹ tôn kính đó, và những nhà giáo được xem là mẫu mực đó lại là những người vượt qua khỏi lằn ranh của sự lương thiện, chân chính, lòng tự trọng để dẫm lên những bài học đạo đức mà chúng ta kiên trì giảng dạy.
tin liên quan
Gian lận điểm thi: Quốc hội muốn được giải trình tường tận 'chuyện gì đang xảy ra'Người lớn đã dạy gì khi trong một “cuộc đua “ mà hàng triệu người khác phải “đấu” với nhau đến từng 0,1 điểm lẻ để vào ĐH thì có thí sinh biết sẽ nghênh ngang vào trường ĐH như mơ ước mà không cần phải động bút làm bài thi !
Bên cạnh đó, vẫn có một vài thí sinh với điểm thật thì vẫn đủ điều kiện trúng tuyển . Vậy cha mẹ gian lận điểm thi có phải nhằm để đẩy con trở thành “siêu sao” trong học đường ? Giờ đây có bài học nào cay đắng hơn cho những “thủ khoa” này khi sự thật phơi bày?
Đổ vỡ niềm tin
Mấy ngày này có nhiều người đã có nhiều kiểu đùa vui với nhau mỉa mai cái gọi là thủ khoa. Nhiều người hồ hởi khoe: “May hồi đó mình không là thủ khoa!”. Nhiều người yêu cầu xem xét lại thủ khoa các kỳ tuyển sinh vừa qua…
Điều gì khiến một khái niệm từng là niềm tự hào của học sinh nay trở thành trò hề ? Để rồi có khi từ năm nay nhiều người phải ngần ngại với 2 từ “thủ khoa” vào mỗi mùa thi. Đó chính là sự đổ vỡ của miềm tin khi sự thật cho thấy chính điểm thi của một thủ khoa cũng không đáng tin cậy.
Vụ việc gian lận điểm thi năm 2018 khiến nhiều người đặt câu hỏi chỉ để hỏi: Phải chăng sự gian lận này đã diễn ra nhiều năm trước cho đến năm nay mới phát hiện? Rồi dư luận nhìn vào sinh viên, học viên của những trường đại học danh giá và ngờ vực bao nhiêu người trong số này đã vào trường bằng điểm thi gian lận?
Nhìn rộng ra chất lượng cán bộ công chức có vấn đề ở nhiều nơi, không ít người cho rằng đó chính là hệ quả của đầu vào đại học bằng điểm gian lận!
Danh sách những cha mẹ có con thuộc diện gian lận điểm thi hầu hết là cán bộ, công chức, lãnh đạo làm sao không tránh khỏi việc mất lòng tin của người dân.
Đó chính là những mất mát lớn từ câu chuyện gian lận điểm thi này.
Thế nhưng, dẫu sao vẫn còn may vì sự gian lận này cuối cùng đã bị phát hiện. Nhờ vào sự công khai minh bạch, rõ ràng phổ điểm thi của từng môn, từng địa phương mà sự gian lận điểm thi này đã được phơi bày. Bao nhiêu năm nay do kết quả thi là một ẩn số, là thông tin mật nên tạo cơ hội để phát sinh tiêu cực. Nay khi mọi thông tin được công khai cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ, mạng xã hội, truyền thông… những tiêu cực về điểm thi không thể che lấp được.
Bình luận (0)