Gian nan cuộc chiến giữ than - Kỳ 4: Thất thoát từ Vinacomin

08/09/2011 00:33 GMT+7

Trong khi than thổ phỉ hoành hoành ngoài ranh giới mỏ thì tại các khu mỏ và kho cảng của Vinacomin, cán bộ ngành than cũng móc ngoặc, câu kết với nhau nhận tiền từ khách hàng Trung Quốc để bán rẻ lợi ích doanh nghiệp, lợi ích quốc gia.

>> Kỳ 3: Chế tài quá nhẹ 

19 cán bộ, công nhân ngành than đứng trước vành móng ngựa TAND tỉnh Quảng Ninh hôm 24.8 - ảnh: Đ.T

Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) dù đã có nhiều cải tiến về mô hình quản lý như tách các khâu khai thác, sàng tuyển, bán than thành các đơn vị độc lập, nhưng về cơ bản, tất cả các khâu, các công đoạn vẫn do các công ty con của Vinacomin thực hiện. Việc móc ngoặc, gian lận phẩm cấp than để đút túi tiền chênh lệch, bỏ mặc lợi ích nhà nước đã diễn ra không ít lần. Gần đây nhất, ngày 25.8, 19 công nhân ngành than đã phải đứng trước vành móng ngựa tại tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh để nghe phán quyết về hành vi móc ngoặc, gian lận phẩm cấp than.

Bán rẻ lợi ích quốc gia

Vụ việc này xuất phát từ việc các chủ mua than người Trung Quốc muốn nhận than có chất lượng tốt hơn than trong hợp đồng. Với đồng tiền của chủ hàng ngoại quốc, các cán bộ thiếu trách nhiệm của Vinacomin đã “bán đứng” lợi ích công ty, lợi ích quốc gia để hạ phẩm cấp than thực tế của hơn 4.000 tấn than, gây thiệt hại cho nhà nước gần 900 triệu đồng.

Đây không phải là vụ việc duy nhất, theo thống kê của Công an tỉnh Quảng Ninh, năm 2010, Công an tỉnh đã khởi tố 16 vụ với 98 bị can vi phạm liên quan đến quản lý, khai thác, kinh doanh than. Trong đó có 2 vụ với 41 bị can nhận hối lộ, thiếu trách nhiệm... tại Công ty than Mạo Khê; 2 vụ với 16 bị can cố ý làm trái và trộm cắp tài sản tại Công ty kho vận Hòn Gai; 1 vụ 14 bị can tham ô, cố ý làm trái... tại Công ty than Quang Hanh...

Trong văn bản trả lời Báo Thanh Niên, Công an tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ ra “lỗi cơ chế" trong mô hình quản lý của Vinacomin: “Do cơ chế quản lý đối với Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam, vừa là doanh nghiệp hoạt động, sản xuất kinh doanh nhưng đồng thời lại thực hiện chức năng quản lý nhà nước và giữ độc quyền trong sản xuất kinh doanh than. Trong khi phát triển nóng, nhưng năng lực khai thác, quản lý còn hạn chế, lại tổ chức tận thu than, ký hợp đồng thuê một lượng lớn các phương tiện và lực lượng tư nhân bên ngoài vào khai thác ở một số khai trường; không quản lý, kiểm soát được lượng than đưa về cuối nguồn tiêu thụ... đây là nguyên nhân cơ bản, quan trọng nhất dẫn đến sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý của Vinacomin thời gian qua, làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp trong lĩnh vực này”.

Ai được lợi?

Theo Công an tỉnh Quảng Ninh, tình trạng thông đồng, móc ngoặc giữa các đối tượng buôn lậu, thuyền trưởng, lái xe với lực lượng bảo vệ mỏ, cán bộ KCS, nhân viên giám định, thủ kho, quản lý cân điện tử diễn ra khá phổ biến; Quy trình quản lý, giám sát của các doanh nghiệp, đơn vị thuộc Vinacomin rất lỏng lẻo, tạo kẽ hở cho các đối tượng bên ngoài thông đồng, móc ngoặc với cán bộ, công nhân viên trong các doanh nghiệp để lấy than bán cho các cá nhân, doanh nghiệp mua gom.

Trong khi an ninh năng lượng quốc gia bị đe dọa thì vàng đen của Tổ quốc vẫn ri rỉ chảy sang bên kia biên giới, tiền chảy vào túi một số ít người.

Phân tích về mô hình của Vinacomin, tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban quản lý các dự án than Đồng bằng sông Hồng (một đơn vị thuộc Vinacomin), cho biết: Với cơ chế hiện nay, trong khâu sản xuất than, các giám đốc mỏ là người có nhiều quyền lực nhưng lại ít phải chịu trách nhiệm. Họ là chủ mỏ trong một thời gian ngắn (1 nhiệm kỳ tối đa 5 năm), được phân quyền quá nhiều, chỉ biết khai thác tối đa các trữ lượng than được giao để chạy theo thành tích, nhưng không hề có trách nhiệm về việc mỏ hay công trường khai thác sẽ phải đóng cửa sớm vì hết than.

Sau khi được giao chỉ tiêu khai thác than, thay vì phải lo chuẩn bị diện khai thác, các “giám đốc nhiệm kỳ” sẽ ưu tiên mua sắm máy móc, phương tiện thậm chí nhiều nơi thuê doanh nghiệp bên ngoài vào bốc xúc đất đá để nâng sản lượng, khai thác than tối đa, thu lợi trong ngắn hạn. Rất nhiều doanh nghiệp “sân sau” về vận tải, cung cấp vật tư, thiết bị cũng đã mọc lên để “nhập cuộc” với cơ chế này. Rõ ràng, những “giám đốc nhiệm kỳ” không có động cơ bức thiết để chú ý đến khâu thăm dò để bổ sung bù đắp cho trữ lượng than đã bị khai thác, không tiết kiệm và “để dành” than cho các thế hệ sau.

Theo tiến sĩ Thành Sơn, đã đến lúc, khi đánh giá các giám đốc cần thay tiêu chí “sản lượng than khai thác” bằng “trữ lượng than của mỏ được duy trì”, phải áp dụng chỉ tiêu “giảm tổn thất than” giống như chỉ tiêu pháp lệnh “giảm tổn thất điện” của EVN.

Cũng chính vì các giám đốc mỏ chỉ là giám đốc theo nhiệm kỳ, nên trách nhiệm bảo vệ tài nguyên cũng sẽ không thể được làm một cách rốt ráo. Trong vụ cướp than ở Mạo Khê tháng 2.2010, khi xảy ra tình trạng cướp than, giám đốc mỏ vẫn ung dung ở nhà ăn tết.

“Chống than tặc có thể còn mang họa đao kiếm cho cả bản thân lẫn gia đình, trong khi đó, nếu có mất than thì cũng là tài nguyên nhà nước, không phải của cá nhân, chính vì vậy, một số chủ mỏ thiếu trách nhiệm sẽ chỉ hô hào chống than lậu chung chung và cử các cán bộ làm cho có, còn chống được hay không, đó là việc của... chính quyền”, một cán bộ lâu năm trong ngành than thở dài.

Thái Sơn - Khánh Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.