Gian nan đường đến nghề dạy học

17/11/2011 23:08 GMT+7

Chọn học trường sư phạm, nhiều sinh viên vẫn tin tưởng rằng họ sẽ được giảng dạy sau khi tốt nghiệp. Thế nhưng, đoạn trường tìm việc của họ quá chông gai, cay đắng, nhọc nhằn và đầy nước mắt.

Chọn học trường sư phạm, nhiều sinh viên vẫn tin tưởng rằng họ sẽ được giảng dạy sau khi tốt nghiệp. Thế nhưng, đoạn trường tìm việc của họ quá chông gai, cay đắng, nhọc nhằn và đầy nước mắt.

Xin đi miền núi cũng không được

Nhiều tân cử nhân tốt nghiệp trường sư phạm cầm “bằng đỏ” trên tay, hồ hởi bước vào sự nghiệp "trồng người" nhưng lại gặp rất nhiều trắc trở. Dù trên thực tế ngành GD-ĐT ở hầu hết các tỉnh thành vẫn còn thiếu giáo viên nhưng các thầy cô giáo mới này vẫn không được tuyển dụng, khiến họ không khỏi nản lòng.

Vũ Thị Lan Trà, tốt nghiệp Khoa Toán Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) tháng 7.2011, nộp đơn đến nhiều nơi, thậm chí tình nguyện lên miền núi để dạy học nhưng vẫn không được chấp thuận. May mắn nhờ người quen giới thiệu Trà mới được nhận về dạy hợp đồng cho một trường THPT ở huyện, mỗi tuần 10 tiết với tổng thu nhập là 800.000 đồng/tháng, bằng 1/2 lương thử việc của một công nhân. Nhưng với Trà, như vậy đã là may mắn bởi được làm công việc phù hợp với nguyện vọng và tấm bằng ĐH của mình. "Nhiều bạn bè của em còn phải long đong, khó khăn để tìm được việc làm, chứ đừng nói đến chuyện được đứng trên bục giảng như em".

Lê Thị Nhàn (quê Đà Nẵng) và Trần Thị Thủy (quê Hà Tĩnh), tốt nghiệp Khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), đều chưa thể tìm được việc làm dù đã phải chạy vạy khắp nơi để xin. Không còn cách nào khác, với tấm “bằng đỏ”, 2 bạn quyết định học tiếp lên cao học, hy vọng tấm bằng thạc sĩ sẽ dễ tìm việc hơn!


Rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm dù có bằng khá, giỏi vẫn khó tìm được việc đúng chuyên ngành - Ảnh: Bảo Nguyên

Phải đi làm công nhân

Đó là hoàn cảnh hiện nay của Nguyễn Thị Hiền - tân cử nhân sư phạm. Tốt nghiệp Khoa Sư phạm giáo dục chính trị (ĐH Đà Nẵng) hè năm nay, với tấm bằng loại khá nhưng cũng như nhiều sinh viên sư phạm khác, Hiền hết sức khó khăn để tìm được công việc. Trước thềm năm học mới 2011-2012, Hiền cũng đã thử gõ cửa nhiều trường ở quê hương Hà Tĩnh của mình nhưng không nhận được phản hồi nào.

Gia cảnh khó khăn không cho phép ngồi chờ đợi, Hiền quyết định vào Bình Dương xin làm công nhân. "Em không thể ăn bám cha mẹ mãi, phải tự lo cho mình trước, sau này có cơ may tìm được việc làm, sẽ giúp đỡ và nuôi dưỡng cha mẹ", Hiền tâm sự. Hiền xin làm công nhân bộ phận kiểm phẩm của một công ty tại Bình Dương. Tháng đầu, lương thử việc của Hiền là 2 triệu đồng. Nhận lương mà Hiền ứa nước mắt tủi thân. Không phải vì số tiền lương ít ỏi mà vì tháng lương đầu tiên không phải là của một giáo viên - nghề nghiệp mà Hiền đã đổ công sức suốt 4 năm miệt mài học tập.

Cũng không khác với hoàn cảnh của Hiền, Nguyễn Thị Sương (quê Quảng Trị), tốt nghiệp loại khá Khoa Hóa Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng tháng 7.2011 nhưng đến nay vẫn thất nghiệp. Sương đã "rải" đơn đi khắp nơi, từ quê nhà đến các tỉnh thành miền Trung, thậm chí nghe thông tin các sở GD-ĐT ở Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu... tuyển giáo viên, Sương cũng đón xe đò vào nộp đơn dự tuyển, nhưng kết quả vẫn là con số không. Hiện Sương đang sống nhờ bạn bè ở TP.HCM và xoay xở bằng việc làm thêm bán thời gian, hoặc làm công nhân thời vụ cho một cơ sở sản xuất đông lạnh... Thời gian còn lại Sương tiếp tục gõ cửa các nơi để tìm công việc phù hợp tấm bằng của mình. "Lúc đi học em mơ ước khi ra trường được đứng trên bục giảng, truyền thụ kiến thức cho các em nhỏ. Giờ đây, long đong, bấp bênh với tấm bằng ĐH, em không biết liệu mình có tìm được việc không nhưng vẫn hy vọng", Sương nói đầy xót xa...

Nhiều thành tích vẫn là số 0

Ở Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, Phan Thị Thu Hiền (Khoa Giáo dục chính trị) là sinh viên đầu tiên hoàn tất chương trình 4 năm ĐH trong vòng 3 năm và đạt loại giỏi với điểm bảo vệ luận văn 9,92. Có được thành tích ấy, Hiền đã cố gắng gấp nhiều lần người bình thường bởi cô là nạn nhân chất độc da cam, chỉ có hơn 13% cơ thể còn hoạt động bình thường. Nhà nghèo, sống với mẹ về hưu non và bà ngoại (đã ngoài 80 tuổi) ở xóm Yên Phú, xã Văn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, kinh tế gia đình Hiền rất eo hẹp. Những năm Hiền học ở Đà Nẵng, mẹ phải vay mượn của người quen, của nhà nước; số nợ sau khi Hiền tốt nghiệp đã lên đến 27 triệu đồng. "Đó cũng là một trong những lý do khiến em nỗ lực hết mình trong học tập, quyết tâm tốt nghiệp trong thời gian ngắn nhất ", Hiền tâm sự.

Nhưng khi bắt đầu gõ cửa từng đơn vị để nộp đơn xin việc, Hiền gặp muôn vàn khó khăn. Hiền thành thật: "Em biết sức khỏe của mình không cho phép làm công việc dùng sức nhiều. Nhưng em nghĩ mình có thể tham gia giảng dạy, không ở trường bình thường thì ở các trường chuyên biệt hoặc làm tốt công việc văn phòng".

Hiền cũng từng là một trong 4 sinh viên Đà Nẵng được Bộ GD-ĐT trao bằng khen “Vì sự tiến bộ phụ nữ” và là một trong 35 thanh niên tiêu biểu của khu vực miền Trung - Tây nguyên được tuyên dương “Thanh niên sống đẹp vì cộng đồng" năm 2010.

D.Hiền

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.