Cùng con đi tiếp cuộc đời:

Gian nan đường vào đại học: Con đã đạt được ước nguyện của ba

12/09/2023 08:07 GMT+7

Nhận được thư mời vào trường đại học hằng mơ ước, Nguyễn Hoàng Thiên Long tỏ bày trong lặng thầm như vậy với người cha đã khuất. Nhưng đi kèm là nỗi lo về số tiền học phí của những năm tháng đời sinh viên.

Nguyễn Hoàng Thiên Long (lớp 12, Trường THPT Marie Curie) trúng tuyển ngành kiến trúc của Trường đại học Tôn Đức Thắng. Thiên Long vui vì đậu vào ngành học yêu thích, hằng mơ ước của mình và của ba, nhưng lại buồn vì không còn ba bên cạnh để cùng chia sẻ niềm vui. Nỗi lo của em hiện giờ là học phí cho hành trình các năm đại học, trong hoàn cảnh nhà không còn điểm tựa kinh tế khi ba em đã mất do Covid-19 vào tháng 7.2021, còn mẹ bị di chứng sau khi nhiễm Covid-19 đến bây giờ vẫn còn yếu và một em gái đang học lớp 7.

Gian nan đường vào đại học: Con đã đạt được ước nguyện của ba   - Ảnh 1.

Thiên Long làm mô hình chiếc búa Honkai để cho thuê trong lễ hội games

KIM PHƯỢNG

Ngày trước, ba em là lao động chính của gia đình với nghề môi giới bất động sản, còn mẹ làm nội trợ ở chung nhà với ông bà nội. Cuộc sống không dư dả nhưng cũng lo đầy đủ cho hai anh em đến trường và được ba đón đưa mỗi ngày để học phụ đạo các môn còn chưa giỏi như bao bạn bè khác.

Thế nhưng, cuộc sống của em hoàn toàn thay đổi sau trận đại dịch lịch sử. Khó khăn trong gia đình cũng bắt đầu từ đây, tiền sinh hoạt, tiền học, tiền ăn và tất cả các chi phí khác khiến mẹ em đang bị di chứng do Covid-19, tay chân tê cứng và thỉnh thoảng bị những cơn ho kéo dài cũng bắt đầu tìm việc làm ở tuổi 48. Cuối cùng có một quán cơm gần nhà nhận mẹ em vào làm từ 10 - 14 giờ mỗi ngày, thu nhập gói ghém chỉ đủ trang trải tiền ăn uống cho 3 mẹ con.

Cũng từ đây, việc đến trường và học hành của em bắt đầu thay đổi. Năm lớp 11, bạn bè đi học thêm môn này môn nọ để chuẩn bị cho việc thi đại học, còn em thì không có tiền để học thêm bất cứ môn học nào. Để theo kịp bạn bè, em cố gắng tập trung lắng nghe thầy cô giảng bài tại lớp, về nhà tự học nhiều hơn nữa. Đối với những bài khó, em lên mạng tìm các video bài giảng để xem lại và tìm kiếm những bài toán khó, các đề cương luyện thi đại học để tự học thêm. "Em tận dụng hết những tiện ích của công nghệ từ máy tính đến điện thoại để rảnh lúc nào là em học lúc nấy, chứ em không có tiền để đi ôn thi như các bạn. Chỉ đến cuối năm lớp 12, em mới đăng ký học vẽ kiến trúc cấp tốc 3 tháng để thi thôi", Thiên Long chia sẻ bí quyết học của mình.

Quý bạn đọc có nhã ý đóng góp tiền mặt, giúp đỡ các tân sinh viên là trẻ mồ côi do Covid-19, chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời của Báo Thanh Niên xin vui lòng đóng góp trực tiếp tại: Phòng Tài vụ Báo Thanh Niên, số 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM; Tòa soạn Hà Nội và các văn phòng đại diện Báo Thanh Niên trên cả nước. Hoặc chuyển khoản theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 10006868 - Ngân hàng Eximbank - chi nhánh Sài Gòn; hoặc số tài khoản 6868866868 tại Ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh Tân Định. Nội dung ghi: Ủng hộ tân sinh viên - trẻ mồ côi do dịch Covid-19. Báo Thanh Niên sẽ trao số tiền bạn đọc ủng hộ đến các tân sinh viên trong thời gian sớm nhất.

Nói về việc chọn ngành học kiến trúc, Long cho biết: " Ngay từ nhỏ, em đã thích sáng tạo mô hình, tham gia vào các câu lạc bộ sáng tạo kỹ thuật ở trường nên hai cha con thường nói chuyện với nhau và mơ ước sau này thi vào kiến trúc. Bây giờ ước mơ đã được học đúng ngành rồi nhưng em rất lo không biết tiền đâu đóng học phí. Vì học ngành này, ngoài tiền học phí, còn nhiều thứ tiền khác như đề cương, anh văn, giấy vẽ… trong các năm học".

Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi thi xong, Long đã đi xin việc làm thêm ở các quán cà phê, quán ăn nhưng vì chưa đủ 18 tuổi (sinh ngày 5.11.2005) nên không chỗ nào nhận. Ở nhà, trong thời gian rảnh rỗi em bắt đầu tự lắp ráp mô hình, sáng tạo đồ dùng hóa trang nhân vật trong phim hoạt hình và games cho các bạn tham gia lễ hội cosplay, lễ hội games thuê lại với giá khoảng 150.000 đồng/ngày. Nhưng không phải lúc nào cũng có lễ hội diễn ra nên việc cho thuê cũng bấp bênh, vì thế để gom góp đủ tiền vào giảng đường đối với em là một hành trình đầy gian nan.

Ước mơ của Nguyễn Hoàng Thiên Long là có được sự trợ giúp của cộng đồng để bước vào đại học, để mai này trở thành một kiến trúc sư giỏi, giúp mẹ và giúp đời! 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.