Gian nan nghề... ụ ốc lác

10/11/2011 08:32 GMT+7

Tưởng chừng cái nghề ụ ốc lác đã lùi về quá khứ do những năm gần đây ốc bươu vàng sinh sôi nảy nở quá nhanh, thế nhưng ở vùng đầu nguồn An Phú (An Giang) hiện vẫn còn trên dưới chục hộ theo đuổi nghề này mỗi khi nước lũ tràn về…

Tưởng chừng cái nghề ụ ốc lác đã lùi về quá khứ do những năm gần đây  ốc bươu vàng sinh sôi nảy nở quá nhanh, thế nhưng ở vùng đầu nguồn An Phú (An Giang) hiện vẫn còn trên dưới chục hộ theo đuổi nghề này mỗi khi nước lũ tràn về…

Những ngày cuối tháng 10, cánh đồng Tắc Trúc (xã Nhơn Hội, H.An Phú) mênh mông nước. Xa thêm chút nữa là cánh đồng của nước bạn Campuchia. Hằng ngày, người dân ấp Tắc Trúc lại chèo chống những chiếc xuồng cui sang đây để ụ ốc lác.

Sống được nhờ ốc

Hôm chúng tôi đến đây, ông Nguyễn Văn Tịnh (49 tuổi, ngụ ấp Tắc Trúc) vừa đi ụ ốc từ cánh đồng giáp biên trở về trên chiếc xuồng khẳm đừ. Giở nắp khoan xuồng, ốc lác bò lểnh nghểnh, con nào con nấy ú na ú nu. Ông Tịnh cho biết ốc lác là loài ốc đồng, hình dạng khá giống với ốc bươu nhưng đít bằng và nhỏ con hơn. Thịt ốc lác rất ngon, được các nhà hàng, quán nhậu ưa chuộng. “Mỗi chuyến đi ụ ốc bên đồng nước bạn Campuchia phải qua ít nhất 2 trạm, mỗi trạm phải đóng thuế 10.000 đồng. Cánh đồng bên đó mênh mông lau sậy và cỏ dại, lại ít người khai thác nên nguồn ốc lác còn khá nhiều, nhờ vậy dân nghèo bên mình mạnh dạn đóng thuế qua đây ụ ốc kiếm sống, chớ ở  đồng nhà giờ chỉ toàn ốc bươu vàng, bán không có giá”, ông Tịnh nói.

Nghề ụ ốc lác đã gắn bó với ông Tịnh khoảng chục năm nên ông rất mê và xem đây là nghề kiếm sống chính cho gia đình trong mùa nước nổi. Ông Tịnh cho biết muốn ụ ốc thành công, trước tiên phải tìm bứt các loại dây, cỏ mà ốc ưa thích, như: dây bầu, dưa leo, cỏ cứt heo…sau đó đem về quấn lọn chung với thân đu đủ và đu đủ dầu rồi dùng thanh tre cắm “gói mồi” cố định dưới đáy nước sâu. Khi bắt hơi được, ốc bò đến ăn, lúc đó người đi ụ ốc lặn xuống nước dùng rổ xúc đưa vào khoang xuồng. Hằng ngày, cứ vào lúc 6 giờ sáng, vợ chồng ông lại mang những bó mồi gói sẵn xuống xuồng, rồi cùng anh em trong xóm dong sang cánh đồng giáp biên ụ ốc. . Ông Tịnh hồ hởi: “Tôi bắt đầu sang đây từ tháng 6 và mùa ụ ốc sẽ kết thúc vào khoảng tháng 12 âm lịch. Cứ 4 ngày, tôi đặt 300 bó ụ ốc. Hôm nào trúng thì được 60kg, còn hôm nào thất thì được 30kg. Giá ốc hiện nay là 10.000 đồng/kg, trừ sở hụi, mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng”.

 
 Một điểm thu mua ốc lác ở xã Nhơn Hội - Ảnh: Hà An

Mỗi ngày lặn... 600 phút

Nghề ụ ốc nghe qua tưởng dễ ăn, thế nhưng đây là một nghề kiếm sống khá nhọc nhằn của cư dân vùng lũ. Như ông Tịnh có 300 bó ụ ốc, mỗi ngày ông phải lặn để đặt ụ, bắt ốc trên 600 hơi, mỗi hơi 1 phút, tức mỗi ngày ông phải lặn 600 phút (10 tiếng đồng hồ) dưới nước. Ông Tịnh nói, hiện mực nước trên đồng nước bạn sâu khoảng 5 mét mà dưới đó lau, sậy còn dày đặc nên khi lặn xuống phải vạch từng bụi cỏ mà đặt ụ. Mỗi hơi lặn, ông Tịnh nín thở cả phút. Có khi lấy hơi không đủ sâu nên mỗi ụ ốc phải lặn đến 2 hơi, rất mệt. “Ai không quen lặn sâu, làm nghề này sẽ bị rớm máu tai, thủng màng nhỉ chớ không phải chuyện chơi. Hổm rày cũng có nhiều tay phải bỏ nghề do nước trên đồng quá sâu, lặn không nổi”, ông Tịnh nói.

Ở xã Nhơn Hội, ngoài gia đình ông Tịnh chuyên đi ụ ốc thì anh Phạm Văn Nhiều, Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Chí Tâm… cũng là những người ụ ốc lác đồng rất giỏi. Các anh cho biết do không có vốn sắm phương tiện làm nghề chài lưới nên chọn nghề ụ ốc mưu sinh. Nghề này không cần chi phí nhiều, chỉ bỏ công đi tìm “cây nhà lá vườn” là làm được, nhưng phải lặn giỏi. Người mới vào nghề này phải tập lặn khoảng 1 tháng mới quen dần. “Ụ ốc tuy cực mà mê, bởi ốc lác hiện đang có giá. Nhất là những lúc giở bó ụ lên, ốc mê mồi đeo dính lủng lẳng thì sướng lắm. Cũng nhờ nghề này mà anh em tụi tôi mới có tiền lo cho các con ăn học”, anh Nhiều nói.

Tuy nhiên, cũng như những nghề hạ bạc khác, cuộc sống của  người làm nghề ụ ốc rất khó khăn. Một người có thâm niên trong nghề, chua chát:   “Chừng nào còn ướt mái dầm thì sống khỏe. Khi mái dầm khô lại cạn túi, nào có dư dả gì”! 

Hà An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.