Tốt nghiệp rồi vẫn chưa nhận được tiền
Nguyễn Thị Hiền (sinh viên (SV) Khoa Địa lý, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thường trú tại thôn Ninh Thanh 2, xã Eakamut, H.Eakar, tỉnh Đắk Lắk), cho biết: “Mình được miễn giảm 100% học phí theo diện vùng cao khó khăn. Đến nay đã tốt nghiệp ra trường nhưng vẫn chưa nhận lại một đồng học phí nào từ học kỳ 1 năm 3 đến hết học kỳ 2 năm 4 (2010 - 2012). 4 học kỳ trong 2 năm học, gia đình đã làm đơn xin nhận lại số tiền miễn học phí nhưng xã luôn nói chờ kinh phí bên trên và phải đợi theo đợt. Gia đình mình rất mệt mỏi khi phải đợi chờ, kỳ nào cũng lên xã mà không nhận lại được tiền mình đã đóng. Học phí mình đã đóng trong 2 năm học lên đến khoảng 5 triệu đồng, trong khi gia đình rất khó khăn”.
Học cùng khoa và cùng được miễn giảm 100% học phí như Hiền, Phạm Huy Huấn (thường trú tại thôn 15, xã Eakaly, H.Krongpak, tỉnh Đắk Lắk) cũng không rút lại được số tiền đã đóng từ năm 2010. Gia đình cũng làm đơn lên xã nhưng xã cũng nói đi nói lại là “đợi khi nào ngân sách tỉnh xuống mới cấp lại số tiền được miễn”. Huấn cũng đã đóng khoảng 5 triệu đồng.
Dương T.K.Trang (SV Khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, thường trú tại khu phố Tân Tiến, thị trấn Đinh Văn, H.Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng), thuộc trường hợp con thương binh nên được miễn 100% học phí. Tuy nhiên, theo Trang, số tiền bạn nhận lại chỉ được khoảng 60 - 70% mà không rõ lý do. “Mình không hiểu tại sao lại mất một khoản tiền, lẽ ra phải miễn 100%. Cả 4 học kỳ (2010 - 2012) mình đều bị trừ một khoản tiền như thế”, Trang nói.
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều SV rất bức xúc trước tình trạng này, tuy nhiên không phải ai cũng dám nêu tên để phản ảnh vấn đề. D.H (SV Khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, thường trú tại đường Đồng Khởi, P.7, TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), thuộc diện miễn 70% học phí do học ngành có tiếp xúc với chất độc hại vẫn chưa nhận lại tiền. K.Ngân (SV Khoa Dược, Trường ĐH Y dược TP.HCM, thường trú tại xã Đức Phong, H.Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) cũng được giảm 70% học phí theo diện xã vùng ven biển có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhưng đã nộp hồ sơ hơn 6 tháng nay lên xã mà vẫn chưa nhận được tiền.
T.H.H (SV năm 3 Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, thường trú tại xã Bàu Hàm 2, H.Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), bức xúc: “Em mất một học kỳ không được miễn giảm vì thủ tục rườm rà. Khi có đủ giấy tờ xác minh ở trường, em gửi hồ sơ về xã thì xã nói là nộp trễ đơn miễn giảm ở trường về địa phương. Nên số tiền gần 3 triệu đồng em phải đóng và không được hoàn phí. Nếu gia đình em không khó khăn chắc em cũng không viết đơn làm gì, cực lắm!”.
Tìm hướng giải quyết
Chia sẻ về việc này, ông Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng Công tác HS - SV, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết năm 2010 có rất nhiều SV cho biết nhận lại học phí trễ. “Chúng tôi cũng có giải thích cho SV. Thật sự là có nhiều tỉnh nghèo, việc chi trả số tiền này khó mà nhanh chóng được. Việc nắm danh sách, làm đề nghị cấp kinh phí cũng tốn thời gian. Với những trường hợp này, phía trường có giải pháp là cho một số SV khó khăn được gia hạn thời gian nộp học phí để lãnh tiền ở địa phương rồi mới đóng cho trường. Có SV gia hạn đến cả học kỳ và chúng tôi vẫn giải quyết cho các em”, ông Đức cho biết.
Cũng theo ông Đức, đợt vừa rồi có một số SV phải tốn công tốn sức trong việc làm hồ sơ nhận lại tiền miễn giảm học phí. Thay vì chỉ cần có giấy xác nhận của trường, một số địa phương buộc SV làm một giấy xác nhận theo mẫu của Bộ Tài chính, SV phải đi lại nhiều lần rất mệt mỏi.
Theo thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác chính trị SV Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, nhà trường luôn cố gắng nhanh chóng hoàn tất hồ sơ học phí để SV mang về địa phương nhận lại tiền. Tuy nhiên để thúc đẩy nhanh hơn quá trình chi trả lại học phí cho SV, ông Cường cho rằng các cơ quan ban ngành liên quan nên tiếp tục ngồi lại với nhau để giải quyết. Bộ Tài chính, Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH, Ngân hàng chính sách cùng họp bàn để biết đang khó khăn ở điểm nào, có thể định ra thời gian cụ thể để SV biết chắc chắn thời gian nhận lại học phí…
Điểm mới trong quy định miễn giảm học phí Nhà nước thực hiện cấp bù học phí cho các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập có đối tượng được miễn, giảm học phí theo số lượng người học thực tế và mức thu học phí. Cấp bù học phí (theo mức học phí của các trường công lập trong vùng) cho học sinh là con của người có công với nước, các đối tượng chính sách học mẫu giáo và phổ thông ngoài công lập. Cấp trực tiếp tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí cho các đối tượng được miễn, giảm học phí ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập để các đối tượng này đóng học phí đầy đủ cho nhà trường. (Trích Nghị định số 49/2010/NĐ - CP về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015) |
Phương Nguyễn - Đăng Nguyên
Bình luận (0)