Phiền não vì... gián
Mới chuyển về một khu chung cư mới trên phố Minh Khai (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) chưa đầy nửa năm, nhưng từ sau Tết Nguyên đán 2019, nhà chị Thùy Nga bỗng xuất hiện rất nhiều con gián nhỏ, chạy khắp nhà.
tin liên quan
Côn trùng lạ tràn ngập nhà dânChị Hồng Nhung, sống tại một chung cư trên địa bàn Q.Cầu Giấy, chia sẻ: “Nhà tôi dạo này thấy xuất hiện rất nhiều gián có kích cỡ nhỏ, cánh mỏng, không bay nhưng chạy rất nhanh; không phải loài gián từ trước đến giờ vẫn nhìn thấy. Điều lạ là loại gián này rất sợ ánh sáng; chỉ khi tắt điện vào ban đêm chúng mới bò lên chậu rửa, thức ăn thừa để trên bàn... Nhà tôi mua 3 gói diệt gián của Nhật về đặt mà không ăn thua. Tôi đã dùng bình thuốc xịt nhiều lần nhưng gián không chết...”.
|
Bà Nguyễn Cẩm Liên, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và thương mại Phú Gia - chuyên dịch vụ diệt côn trùng, cho hay số lượng khách hàng tại Hà Nội đặt dịch vụ diệt gián trong 2 tháng trở lại đây tăng 2 - 3 lần so với trước Tết Nguyên đán 2019. Trung bình mỗi ngày công ty nhận được 20 - 30 cuộc gọi nhờ tư vấn về dịch vụ diệt gián. Theo bà Liên, loại gián đang “đại náo” các chung cư hiện nay có tên gọi là gián Đức. Đây là gián ngoại lai, trước đây sinh sống nhiều ở các nhà hàng, khách sạn; giờ chuyển sang “tấn công” các chung cư; tập trung nhiều nhất tại các chung cư mới ở khu vực Linh Đàm, Minh Khai (Q.Hoàng Mai), Q.Hà Đông; Q.Thanh Xuân...
Lý giải gián Đức xuất hiện nhiều ở các khu chung cư mới, bà Liên nói: “Do các gia đình chuyển về nhà mới thường mua sắm đồ gia dụng, nhất là đồ vận chuyển từ nước ngoài về mang theo trứng gián trong các thùng giấy, hộp giấy. Khi về các gia đình, gặp môi trường thuận lợi, ẩm ướt, gián sinh sản rất nhanh”.
Kháng thuốc, khó tiêu diệt
Đáng chú ý, loại gián ngoại lai này có khả năng kháng thuốc, khó tiêu diệt. Th.S Nguyễn Thị My, Phó phòng Thí nghiệm sinh hóa và diệt trừ mối (Viện Sinh thái bảo vệ công trình), cho hay: “Gián Đức là loài côn trùng thuộc họ gián Blattellidae, vào Việt Nam theo đường hàng không hoặc tàu biển; ngay cả ở nước ngoài cũng rất khó diệt. Do ở chung cư có các đường ống thoát nước, nhà vệ sinh và chậu rửa trong bếp nên khi đặt thuốc, gián theo đường ống bò sang nhà khác. Một thời gian sau, thuốc hết tác dụng, gián lại quay về. Còn các loại thuốc xịt đang bán trên thị trường, dùng lần đầu hiệu quả, nhưng dùng nhiều lần gián sẽ kháng thuốc. Vì vậy, không thể dùng các loại thuốc thông thường để diệt, mà phải kết hợp giữ vệ sinh với biện pháp khác”.
Bà My cũng cho biết loài gián này tụ tập thành đàn và có mùi hôi rất khó chịu. Trên đường đi tìm thức ăn, chúng bò từ đường ống thoát nước, nước thải vào đồ ăn, nguồn nước, vô tình là trung gian truyền bệnh và phát tán bệnh cho con người. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong phân gián có chứa các vi khuẩn gây bệnh đường ruột, viêm gan, rối loạn hô hấp.
Còn theo PGS-TS Trương Xuân Lam, Phó viện trưởng Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, ngoài gián Đức, tại các chung cư ở Hà Nội còn xuất hiện gián nâu, có nguồn gốc từ châu Phi. Loài gián này ưa thích ở các vị trí cao, nhất là các chung cư cao tầng. “Gián có hại cho con người; có thể gây nhiễm bẩn thực phẩm, mang mầm bệnh. Đối với trẻ em bị bệnh hen suyễn, gián được xem là một trong những dị nguyên quan trọng làm bệnh nhân nhập viện nhiều hơn”, TS Lam cho hay.
Cách phòng, diệt gián
PGS-TS Trương Xuân Lam cho biết gián sống được phải có nước. Vì vậy, người dân hãy tìm và sửa chữa tất cả nguồn nước rò rỉ trong nhà. Cần trét kín các lỗ nhỏ, vết nứt, khe hở dọc tường và chân tường. Khi sắp xếp xoong nồi, bát đĩa... trên giá, nên úp ngược để những vật này không trở thành nơi đựng phân hay trứng gián. Không để trái cây trên mặt bàn, thu dọn thùng rác thường xuyên, dùng thùng rác có nắp.
Để tiêu diệt gián, có thể dùng các bả, mồi gián bán ở các cửa hàng thuốc thú y, trộn lẫn bả với thực phẩm mà gián ưa thích (bột bánh, dầu ăn, mỡ, đường...) và đặt gần tổ của chúng. Gián rất sợ ánh sáng, vì vậy có thể chiếu sáng tủ bếp bằng đèn huỳnh quang... Ngoài ra, có thể sử dụng chất đuổi gián tự nhiên như: tinh dầu bạc hà, vỏ dưa leo, vỏ cam quýt, tỏi, dầu đinh hương...
|
Bình luận (0)