Giăng bẫy 'việc nhẹ lương cao' để chơi khăm các nghị sĩ Anh

26/03/2023 11:43 GMT+7

Nhiều nghị sĩ hàng đầu của đảng Bảo thủ Anh đã bị chơi khăm bởi một tổ chức vận động chính trị, giả danh là một công ty tuyển dụng Hàn Quốc.

Nhóm vận động chính trị Led by Donkeys (Dẫn đầu bởi bầy lừa), tổ chức được thành lập vào năm 2018 với mục đích ban đầu là phản đối Brexit (việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu), đã thực hiện màn chơi khăm nhằm phơi bày thực trạng các nghị sĩ quốc hội nhận công việc bên ngoài, qua đó gây nguy cơ để nước ngoài can thiệp chính trị nội bộ.

Theo tờ The Guardian ngày 25.3, Led by Donkeys đã tiếp cận 20 nghị sĩ của các đảng Bảo thủ, Công đảng và Dân chủ Tự do cho trò chơi khăm này. Nhóm đã lập website của một công ty đầu tư và tư vấn giả mạo có tên Hanseong Consulting trụ sở tại Seoul (Hàn Quốc) và kêu gọi các nghị sĩ làm việc với mức đãi ngộ hấp dẫn.

Nhóm này đã gửi email nói đang cần tuyển thành viên hội đồng cố vấn quốc tế để giúp khách hàng "định hướng giữa sự thay đổi của khuôn khổ chính trị, quy định và luật pháp tại Anh và châu Âu".

Có 5 nghị sĩ đảng Bảo thủ đồng ý phỏng vấn qua ứng dụng Zoom, trong đó một người nghi ngờ nên đã kết thúc cuộc gọi. Các nghị sĩ được phỏng vấn bởi một phụ nữ đóng vai là quản lý cấp cao của công ty Hàn Quốc, ngồi trong văn phòng có hậu cảnh là thủ đô Seoul.

Cựu Bộ trưởng Anh đòi lương 287 triệu đồng/ngày để làm cho công ty giả mạo - Ảnh 1.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng trong cuộc phỏng vấn với công ty do Led by Donkeys làm giả

LED BY DONKEYS

Trong cuộc phỏng vấn dài 40 phút hồi tháng 2, cựu Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng, người bị cách chức hồi tháng 10.2022 sau khi công bố kế hoạch ngân sách gây khủng hoảng thị trường tài chính, cho biết đang ngồi trong văn phòng ở quốc hội. Ông Kwarteng nói chỉ đồng ý mức thù lao tối thiểu 10.000 bảng (287 triệu đồng) một tháng. Sau khi được đề nghị 8.000-12.000 bảng một ngày, ông Kwarteng nói đó là mức có thể chấp nhận và lưu ý nếu ông đến Hàn Quốc thì phải có mức lương 10.000 bảng một ngày, nhấn mạnh rằng ông không đòi hỏi "mức lương của một vị vua".

Trong cuộc phỏng vấn vào tháng 3 cho vị trí cố vấn, cựu Bộ trưởng Y tế Matt Hancock nói với "người tuyển dụng" rằng ông đang có công việc với mức lương 10.000 bảng một ngày. Mặt khác, ông lưu ý rằng ông tuân thủ quy tắc của quốc hội và cần được phê chuẩn thêm cho công việc nói trên dù việc nghị sĩ làm thêm bên ngoài được cho phép. Ông cũng nói rằng ông nhận thức được trách nhiệm phục vụ cử tri với vai trò là nghị sĩ đại diện cho họ.

Trong cuộc phỏng vấn vào giữa tháng 2, nghị sĩ Graham Brady, Chủ tịch Ủy ban 1992 (các nghị sĩ Bảo thủ không giữ chức vụ trong chính phủ), nói ông có thể dự các cuộc họp quốc tế và linh động hơn những người khác vì là người thâm niên trong đảng.

Ông Brady nói không thể vận động đại diện cho công ty để sắp xếp các cuộc gặp nhưng ông có thể tư vấn về người mà công ty cần tiếp cận trong chính phủ. Ông Brady cũng nói mức lương 6.000 bảng một ngày là con số phù hợp và việc chi trả phải được thực hiện thông qua cổng đăng ký dịch vụ công.

Nghị sĩ Stephen Hammond, cựu Bộ trưởng Giao thông và Y tế, cũng đã đồng ý phỏng vấn và cho biết ông có mối quan tâm đặc biệt dành cho Hàn Quốc vì nhiều người Hàn đang sống tại khu vực bầu cử mà ông đại diện. Ông cũng nói đang giữ vai trò trong 2 công ty khác và cả hai đều được công khai theo quy định của quốc hội.

Bình luận sau vụ việc, ông Hammond nói là nạn nhân của một trò lừa và công ty liên lạc với ông hóa ra là giả mạo.

Một người đại diện của ông Hancock nói rằng vị nghị sĩ đã hành xử đúng và phù hợp với khuôn khổ quy định của quốc hội, đồng thời cáo buộc việc công bố đoạn video phỏng vấn riêng tư là điều trái phép.

Cựu Bộ trưởng Anh đòi lương 287 triệu đồng/ngày để làm cho công ty giả mạo - Ảnh 2.

Ông Matt Hancock nói đang có mức lương 10.000 bảng một ngày

LED BY DONKEYS

Ông Brady nói sắp rời quốc hội trong kỳ bầu cử sắp tới và đã nhận những đề nghị làm việc trong tương lai. Ông nhấn mạnh những điều ông nói trong cuộc phỏng vấn là hoàn toàn phù hợp với quy tắc. Ông Kwarteng không phản hồi đề nghị bình luận của The Guardian.

Mặc dù các nghị sĩ không bị cấm thực hiện các buổi phỏng vấn như vậy, và chưa có thỏa thuận nào được chốt, nhưng việc các nghị sĩ kiếm thêm thu nhập từ bên ngoài đang bị theo dõi gắt gao.

Công đảng đối lập gọi những hành vi trên của các nghị sĩ đảng Bảo thủ là đáng xấu hổ, đồng thời tuyên bố sẽ chấm dứt hầu hết việc nghị sĩ quốc hội nhận công việc bên ngoài, nếu đảng này giành quyền kiểm soát quốc hội.

Hôm 1.3, một bộ quy tắc ứng xử mới được công bố, trong đó lần đầu tiên cấm các nghị sĩ đại diện quốc hội đưa ra lời khuyên cho nhà tuyển dụng bên ngoài để ăn lương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.