Sau gần 3 năm đặt trần lãi suất (LS) huy động, đến nay một số chuyên gia cho rằng cơ hội để dỡ bỏ đã tới, cần trả LS lại cho cơ chế thị trường điều tiết.
Nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc bỏ trần lãi suất - Ảnh: Ngọc Thắng |
Tuy nhiên, không ít ý kiến khác cho rằng cần phải giữ trần LS để phòng nguy cơ tái lạm phát, và cuộc chạy đua LS giữa các ngân hàng thương mại (NHTM).
Bỏ trần để “chữa” thanh khoản
|
Đại diện cho những người cho rằng cần phải bỏ trần LS - tại một cuộc đối thoại gần đây - TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nêu ra một số lý do. Thứ nhất, trong 2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phân loại các ngân hàng (NH) để đặt hạn mức tín dụng nên những NH khó khăn thanh khoản - thường sẵn sàng chạy đua LS - đã bị khống chế.
Thứ hai, khó khăn chủ yếu về thanh khoản của NH phải để cho thị trường xử lý, theo hướng sẽ có một số NH tăng LS huy động lên, thị trường sẽ tự đáp ứng cho thanh khoản. Nhưng điều này không quá đáng ngại, bởi hiện khả năng hấp thụ vốn của DN kém, các DN không có nhu cầu quá lớn để vay mượn tiền với LS cao.
|
Từ đó, chuyên gia này dự đoán, thời điểm hiện tại hoặc trong vòng 1 tháng tới có thể bỏ trần LS. Khi đó, tất cả các vấn đề của thị trường sẽ được bộc lộ một cách minh bạch. “Nhu cầu tiền gửi, tiền vay và lòng tin của thị trường tới đâu, khả năng giám sát hoạt động của NHNN tới đâu sẽ bộc lộ rõ. Rất có thể khi bỏ trần, LS còn xuống thấp hơn hiện nay”, ông Nghĩa nhận định.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh lại cho rằng, sở dĩ phải “đẻ” ra trần LS vì thực tế từ trước tới nay NHNN chưa biết lấy công cụ gì để điều hành chính sách tiền tệ. Ở các nước khác, LS cơ bản, LS tái cấp vốn, tái chiết khấu được dùng để can thiệp vào thị trường tạo ra hiệu quả lớn, nhưng ở VN không dùng được những công cụ, biện pháp này do lạm phát cao, vĩ mô bất ổn... “LS cơ bản đặt ra 10 năm nay nhưng không có tác dụng gì, vì vậy phải sử dụng biện pháp hành chính đặt trần LS để điều hành. Nếu bỏ trần thực sự tôi rất lo ngại, NHNN dùng cái gì để can thiệp vào thị trường. Trong bối cảnh hiện nay, tạm thời tôi ủng hộ trần LS huy động, chỉ có nó mới giữ được LS tiền gửi ở mức hợp lý nhằm giảm LS cho vay”, TS Ánh nói.
Đồng quan điểm với ông Ánh, TS Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (GSTC) - chia sẻ, mọi biện pháp hành chính đều là phi thị trường và ắt để lại hậu quả không mong muốn nếu không được thực thi một cách nghiêm túc. Hiện nay, Ủy ban GSTC mong muốn xóa trần, tuy nhiên do thị trường tiền tệ còn nhiều bất ổn, thanh khoản hệ thống chưa ổn định nên cần tiếp tục duy trì thêm một thời gian. TS Nguyễn Thị Mùi cũng kiến nghị, chưa nên bỏ bởi nguy cơ tái lạm phát cao vẫn có thể tái diễn. Ngoài ra, dù có bỏ thì mục tiêu giảm LS cho vay chưa chắc đã đạt được, vì các NH có thể chạy đua, đẩy LS lên quá cao.
NHNN thừa công cụ để thay trần
|
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico (Hà Nội) thì ủng hộ bỏ trần LS. Ông cho rằng NHNN không thiếu các công cụ để can thiệp vào thị trường như tái chiết khấu, tái cấp vốn, nghiệp vụ thị trường mở...
Trên thực tế, trần LS khi đặt ra vẫn bị xé rào bằng nhiều hình thức tinh vi, không có tác dụng, không có ý nghĩa. Ngoài ra, NHNN đặt trần để quản lý, sợ LS tăng cao nhưng cũng đã khẳng định nếu lạm phát lên thì LS lên, lạm phát xuống LS xuống. “Vậy thì tại sao không để cho thị trường tự điều chỉnh, chứ tiếp tục đặt trần LS huy động 13% cũng không giải quyết được gì còn làm cho các NHTM căng thẳng hơn”, luật sư Đức lo ngại.
TS Nghĩa phân tích sâu sắc hơn khi nhìn lại quá trình VN tự do hóa LS tiền gửi từ năm 1998 đến 2009, thị trường được điều hành rất tốt. Bổ sung ý kiến của luật sư Đức, theo TS Nghĩa, ngoài những công cụ về bộ LS chủ chốt, NHNN còn có công cụ “bom tấn” là tỷ lệ dự trữ bắt buộc chưa dùng đến. Hiện tỷ lệ này ở mức 5%, so với các nước khác còn rất thấp (Trung Quốc là 20,5%, Mỹ 10%...). TS Nghĩa lưu ý, nếu sử dụng công cụ này, nên học kinh nghiệm của Trung Quốc, tức NH nhỏ dự trữ thấp, NH to thì dự trữ cao.
Có ý kiến cho rằng, nếu bỏ trần ra, LS huy động vọt lên 17 - 18%, thậm chí trên 20%, theo ông Nghĩa điều này cũng có thể xảy trong thời gian ngắn, tựa như con lắc khi buông ra không thể đứng im ngay lập tức mà sẽ dao động rồi ổn định dần dần.
Phần lớn các quan điểm ủng hộ bỏ trần lãi suất đều cho rằng NHNN cần phải hoàn chỉnh cho tốt các công cụ can thiệp, đặc biệt công cụ thị trường tiền tệ ngắn hạn. Ngoài ra, phải lập lại được trật tự trên thị trường liên NH, không để các thành viên thiếu tin tưởng nhau, bắt chẹt và buộc phải có tài sản thế chấp mới cho vay, bởi nếu không việc bỏ trần LS sẽ không được hiệu quả.
Anh Vũ
Bình luận (0)