‘Giang hồ mạng dạy dỗ’ người cha đánh con 2 năm trước: Rước họa vào thân!

18/10/2019 15:14 GMT+7

Theo luật sư, những ‘giang hồ mạng’ nhân danh lẽ phải tìm đến ‘dạy dỗ’ người cha đánh con từ 2 năm trước có thể rước họa vào thân. Nếu người cha báo công an, những người này có thể bị khởi tố.

Như Thanh Niên thông tin, ngày 17.10, đoạn clip người cha tát con trai 4 tuổi lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người phẫn nộ. Dù sự việc trong clip này xảy ra từ 2 năm trước nhưng nhiều “giang hồ mạng” nhân danh bảo vệ lẽ phải đã kéo đến nhà người cha để “dạy dỗ”.

Có xử lý được người cha đánh con?

Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn LS TP.HCM) cho biết, bằng chứng clip cho thấy người cha đã có hành vi bạo hành đối với trẻ em. Đây là hành vi vi phạm điều cấm tại Điều 6 Luật Trẻ Em năm 2016.
Theo đó, hành vi này của người cha có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 27 NĐ 144/2013 Xử phạt vi phạm hành chính về chăm sóc trẻ em với mức xử phạt có thể từ 5 đến 10 triệu đồng.
“Tất nhiên để xử phạt hành vi này, cơ quan chức năng cần xác định thời điểm xảy ra hành vi, để xác định có còn thời hiệu xử phạt hay không”, LS Phát lưu ý.

Hình ảnh anh Tí đánh con 2 năm trước

Ảnh chụp màn hình

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, người cha đánh con này là Đoàn Văn Tí (30 tuổi, xã Trung An, TP Mỹ Tho, Tiền Giang). Anh Tí cho biết, trong cơn say vào một đêm 2 năm trước, anh đã “dạy dỗ” con trai 4 tuổi bằng cách vừa bắt bé khoanh tay, anh vừa mắng và tát tay liên tục vào mặt bé.
“Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, thời hiệu xử phạt là 1 năm. Do đó, hành vi của người cha đến nay sẽ không bị xử lý”, LS Phát nêu.

‘Giang hồ mạng’ rước họa vào thân

Theo Công an TP.Mỹ Tho, trưa ngày 17.10 có nhận tin báo của công an xã về vụ việc anh Tí bị nhóm “giang hồ mạng xã hội” hơn 10 người tự xưng là “nhóm chuyên đòi lại sự bất công cho phụ nữ, trẻ em” đến nhà anh Tí vào tận phòng ngủ kéo anh ra đánh, tát vào mặt. Anh Tí bị trầy xước ở vùng da đầu và mặt. Trước khi đến nhà để “trả thù cho con trai anh” thì nhóm hơn 10 người từ TP.HCM này đã vào tận nơi làm việc của anh Tí nhưng không gặp.
Theo LS Phát, những người bức xúc muốn lấy lại công bằng cho cháu bé nên đã phá khóa xông vào nhà phá khóa đánh anh Tí là có những những dấu hiệu của hành vi vi phạm phá hoại tài sản của người khác. Cụ thể là hành vi phá khóa, xâm phạm chổ ở của người khác và hành vi cố ý gây thương tích.
LS Phát phân tích: “Các hành vi này, nếu cơ quan chức năng vào cuộc hoặc khi bị hại có đơn trình báo, thì rất có thể họ sẽ bị xử lý. Nhẹ thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, nặng thì có thể bị khởi tố vụ án hình sự”.
Do vậy, LS Phát đưa ra lời khuyên, khi muốn làm việc chính nghĩa, bảo vệ lẽ phải, chúng ta cần tỉnh táo và sử dụng các hành động hợp pháp, tránh tình trạng sử dụng vũ lực hoặc các hành vi khác, có thể rước họa vào thân.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.