TNO

Giảng viên 'bị gài' trong clip cướp mic, tạt nước: Mong được dạy tiếp

09/06/2016 10:49 GMT+7

(iHay) "Tâm trạng mình hiện tại đã bớt stress sau khi bị cư dân mạng chửi, ném đá và hù dọa", Cường nói.

(iHay) Anh Phạm Mạnh Cường (Giảng viên khoa Hệ thống thông tin, ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa trao đổi với iHay.vn về sự cố anh bị "gài" để trở thành nhân vật “phản diện” trong clip cướp mic, tạt nước người hát rong lùm xùm mới đây. 

>> Bài học từ vụ dàn dựng clip cướp mic tạt nước người hát rong


Cường cho biết hiện tâm trạng đã bớt stress sau khi bị cư dân mạng chửi bới, ném đá và hù dọa.
"Mình cảm thấy rất hối hận. Không ngờ vì nhiệt tình giúp đỡ một trò vui mà ai dè clip đã bị bóp méo. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến danh dự và uy tín của mình", Cường phân trần với phóng viên iHay.vn.
Hành động cướp mic, tạt nước người hát rong chỉ là diễn xuất 
iHay.vn xin nói rõ một lần nữa, là giảng viên Mạnh Cường chỉ thực hiện hành động giật mic, tạt nước người hát rong theo kịch bản diễn xuất mà nhóm của người hát rong nhờ để quay clip, chứ anh không cố tình ứng xử thô lỗ như vậy.
Nói về những bình luận cho rằng anh cố tình đóng vai "phản diện" để... nổi tiếng, Cường cười và nhấn mạnh rằng bản thân anh thật sự không ham cách như thế
"Mình chỉ nghĩ đơn giản thấy anh bán kẹo kéo đó nghèo nhưng có đam mê nghệ thuật. Mình thấy anh ta trước khi diễn có khấn vái tổ nghiệp nghề diễn, nên mới thấy thương giúp. Mình đã là một giảng viên, nếu nói về danh tiếng mình cũng đã đủ rồi. Làm phản diện vậy người ta coi mình ra gì nữa. Không ham hố nổi tiếng thế đâu", nam giảng viên trẻ khẳng định.
Anh cũng bày tỏ rằng hiện tại đang khá lo lắng, vì nhà trường cũng quan tâm và muốn làm rõ vụ việc để đánh giá tư cách giảng viên của anh. Thầy giáo trẻ cho rằng bài học về việc suy nghĩ kỹ trước khi làm gì đó và giải quyết khủng hoảng truyền thông lần này thật sự quá lớn.
Giảng viên Mạnh Cường (đang ngồi khoanh tay) trước khi "diễn xuất" 
"Nhưng mà Cường tin sinh viên, bạn bè hay thầy cô sẽ hiểu và hi vọng mình vẫn được tiếp tục công việc giảng dạy", Cường chia sẻ.
Qua kinh nghiệm bản thân, anh chàng cũng khuyên rằng bạn trẻ hãy cẩn thận trước xã hội bây giờ, vì có những thứ tưởng chừng như vô hại nhưng thật ra rất tai hại, có khi còn bị lợi dụng.
"Cái gì đúng hay thấy tận mắt thì mới nói. Vì giờ rất nhiều cái ảo. Hành động share hay nói không đúng khi chưa hiểu sâu có thể tiếp tay cho việc đưa một người nào đó đến chỗ không thể quay đầu. Trên thế giới hay tại Việt Nam đã có nhiều trường hợp bạn trẻ tự tử hay bị điên vì hành động vô tình của người dùng mạng xã hội. Cường nghĩ với thời đại công nghệ thông tin hiện nay, văn hóa người dùng mạng cần được giáo dục và xem xét", giảng viên ĐH Kinh tế - Luật chốt lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.