Giảng viên Đại học ở TP.New York nhớ thầy cô quê nhà của những năm 90

21/11/2020 07:50 GMT+7

“Khi thầy viết bảng Bụi phấn rơi rơi Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng Có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy …”

Mỗi năm đến ngày 20.11, lòng tôi lại bồi hồi khi nhớ về thời áo trắng của mình với lòng biết ơn vô hạn đến những “người đưa đò” đã làm nên con người và thành công của tôi hôm nay.
Ký ức tôi về ngôi trường Tân Lập 1 tường vôi loang lổ vàng, mái tôn so sai mà mỗi mùa đông tiếng mưa át cả tiếng cô giáo giảng bài. Vì ba đi làm xa biền biệt, mẹ gửi tôi đi học sớm lớp học “dự thính” cùng với ông anh họ hơn 1 tuổi. “Đi vô trường cho có người trông chứ để ngoài lung lao.”
Sáng nào cứ 6 giờ sáng là 2 anh em nhỏ xíu cùng nhau chạy qua trường chỉ cách nhà 2 phút.
Tiếng trống trường giục giã học sinh chạy nhanh vào trước khi cổng đóng. Đội Cờ Đỏ luôn đứng ở cổng trường để ghi tên. Hồi đi học, tôi sợ nhất là bị Đội Cờ Đỏ ghi tên vì sẽ bị cảnh cáo thứ 2 đầu tuần sau. Vừa xấu hổ với bạn, vừa sợ cha mẹ la rầy!
Tôi nhớ cô Yến, dạy tôi lớp 1 “dự thính” và chính thức. Cô vóc người nhỏ, lúc nào cũng cười nói rộn ràng. Mỗi khi cô đi đến đầu hành lang, cả lớp đã nghe tiếng cô là biết cô sắp đến. Không hiểu vì lý do gì mà cô đặc biệt yêu thích cái cá tính bướng bỉnh, tự do và mái tóc hoe vàng xoăn tít khác biệt của tôi. Nhiều thầy cô cấp 1 thời bấy giờ, những câu hỏi “Tại sao mặt trời lại mọc ở Phương Đông?” làm họ đau đầu. Nhưng cô Yến thì khác! Cô lúc nào cũng ủng hộ sự tò mò của đứa trẻ 6 tuổi là tôi bấy giờ. Cô yêu thương tôi như người mẹ thứ 2 của tôi. Khi tôi mới tập viế thường tẩy xóa đến độ rách tập vở, tờ giấy lủng lỗ chỗ. Thay vì la mắng, cô lại để mấy cái lỗ lên soi mặt trời rồi gọi là “mặt trời bé con”. Vì mới tập viết nên chúng tôi sử dụng bút mực, mà bút mực thì dễ lem giây ra tay, nên ngày nào đi học về tay chân, quần áo cũng lấm lem mực. Vậy mà cô Yến cũng không la mắng
Trường Tân Lập 1 tôi hồi bấy giờ tất cả là lớp bán trú, nghĩa là chúng tôi ở trường từ 6 rưỡi sáng đến 5 giờ chiều ba mẹ đón về. Thầy cô cho ăn cơm trưa rồi ngủ trưa tại trường luôn. Tôi lúc nào cũng được nằm ngủ cạnh cô Yến! Ôi chao, sao mà giấc ngủ trưa của con bé 6 tuổi là tôi hồi đó hạnh phúc bình yên đến lạ!
Hồi những năm đầu 90, ai cũng nghèo. Mẹ tôi gói hộp kẹo mè xửng với hộp bánh in bằng giấy bóng kính trong veo có hoa hường để tôi đem lên tặng cô Yến ngày 20/11. Ngày Nhà Giáo Việt Nam, trường tổ chức hát múa tạ ơn thầy cô. Tôi bé chút xíu, xúng xính cái váy hồng, cũng góp tiết mục ngâm thơ “Bụi phấn”. Cái cảm xúc sung sướng lần đầu đứng sân khấu biểu diễn để các thầy cô giáo ngồi dưới xem làm tôi nhớ mãi. Trường Tân Lập 1 bây giờ được xây dựng lại khanh trang hơn trước rất nhiều. Sự thay đổi ấy làm tôi vừa mừng vừa có một chút bùi ngùi bởi đã không còn cảnh cũ khi tôi trở lại.
Lên cấp 2, tuổi dậy thì, “tuổi dở dở ương ương”, tôi học hành có phần chểnh mảng, sa sút. Năm lớp 8, tôi tưởng không đậu nổi vào trường công lập cấp 3. Nhưng nhờ có một cô tiên là cô Hải Anh đã dạy kèm tôi mỗi tối suốt 1 năm lớp 9 nên tôi đã làm nên điều kỳ diệu là đậu thẳng vào 2 trường điểm của Thành Phố Nha Trang là Lý Tự Trọng và Lê Quý Đôn. Bởi thế mới biết, “không thầy đố mày làm nên”!
Đã gần 20 năm từ những đêm tôi chong đèn luyện thi ở nhà cô Hải Anh, tôi vẫn luôn nhớ đến khuôn mặt cô và nụ cười hiền. Nghe mẹ nói cô vẫn sống một mình trong căn nhà cũ từ trước đến giờ sau khi bố mất. Nghe thương quá!
Lên cấp 3, ba mẹ tôi gửi tôi đi học Hoá cô Nga giỏi nổi tiếng nhưng cũng “khét tiếng” nghiêm khắc. Cô dạy “siêu hay” nhưng mà học sinh sợ cô lắm. Cô gọi lên bảng mà không biết giải bài thì chỉ có “chết nhục” ở trên bục giảng. Cái tuổi 16, 17 đã bắt đầu “biết nhớ biết thương một kẻ nào” nên sợ nhất là bị cô la trước mắt “người trong mộng”. Ôi chao sao là xấu hổ! Nhờ cô mà tôi đậu liền 3 Đại Học trong Sài Gòn với điểm số cao. Thật đúng là “thương cho roi cho vọt!”.
Khi sang Mỹ học thì tôi cũng gặp nhiều giáo sư nước ngoài yêu nghề và hết lòng với sinh viên. Tôi vẫn gọi điện, viết email thường xuyên cho giáo sư thời Thạc Sĩ và Tiến Sĩ của mình. Họ hay đùa: “Bây giờ mình đã là đồng nghệp, nên không phải xưng hô thầy trò như trước nữa.” Tuy nhiên, tôi luôn luôn thêm tiếng thầy cô vào trước tên của họ để thể hiện sự tôn kính.
Không có giáo sư Yang và Chapa thời thạc sĩ chắp cánh ước mơ, động viên, khuyến khích, viết thư giới thiệu... thì tôi đã chẳng dám mơ cao học Tiến Sĩ để trở thành Giảng viên Đại Học như bây giờ. Nếu không có giáo sư Vasquez, Minor, Wu, Pramod,… hồi Tiến Sĩ hướng dẫn đề tài thì tôi cũng đã chẳng đến được ngày tốt nghiệp cái chương trình vừa dài vừa khó đó. Sự ân cần, tận tâm của họ đối với sinh viên đã là tấm gương sáng cho tôi trở thành một giáo viên được nhiều học sinh yêu mến như bây giờ!
Ngày Nhà Giáo Mỹ là vào tháng 5 hằng năm, các em học sinh của tôi cũng tíu tít viết email hay gủi tin nhắn để chúc mừng tôi.
Giờ đây vị trí là người trên bục giảng, tôi thấy được sự khó khăn và áp lực của thầy cô tôi ngày ấy. Uốn nắn một học sinh trở thành công dân hữu ích cho xã hội rất khó! Ngoài ra, đây là cái nghề “làm dâu trăm họ”, nên phải yêu nghề yêu học sinh lắm mới đủ nhiệt huyết đứng lớp ròng rã mấy chục năm tuổi nghề. Nhưng phần thưởng của “nghề đưa đò” này cũng rất lớn khi thấy các em học sinh thành tài quay trở về trường.
Năm nay là năm thứ 5 tôi đứng trên bục giảng xứ sở Cờ Hoa, cũng đã bắt đầu thấy thành tựu của mình khi các em học sinh thế hệ đầu nay đã kiếm được việc làm tốt và lập gia đình.
Mẹ và hai dì của tôi đều là nhà giáo về hưu. Mỗi năm ngày nhà giáo Việt Nam, nhà tôi lại rộn ràng tiếng cười của cựu học sinh về thăm lại cô giáo. Nhiều cựu học sinh còn đem theo cả bạn đời và con cái đến tri ân người đã dìu dắt họ trong ngày “áo trắng” thơ dại. Sáng nay (18/11) gọi về, thấy mẹ lúi húi chọn áo dài để lên trường cũ Lý Tự Trọng làm lễ 20/11, lòng tôi chợt bùng lên cảm xúc khó tả - vừa tự hào là người kế nghiệp nghề giáo của mẹ, vừa biết ơn những thầy cô giáo cũ đã góp phần tạo nên sự thành công của mình hôm nay.
Tôi mong rằng truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy” của người Việt sẽ không bị mai một trong xã hội kim tiền này. Cũng mong nhà giáo luôn xứng với danh xưng “cô giáo như mẹ hiền”!
Hôm nay dạy xong lớp học hàng tuần, tôi bâng khuâng nhìn ra ngoài cửa sổ. Nắng vàng New York thu thật nhẹ… Chợt nhớ những câu thơ cũ:
“Thầy trải đời thầy trên bảng đen phấn trắng...
Viên phấn thầy cứ ngắn dần
Cho bài học con dài ra
Và mai đây khi những trái và hoa
Con hái được trên tay
Vẫn nhớ mai ơn thầy khó nhọc
Nhớ viên phấn ngắn dần
Và mái đầu trắng bạc
Thầy ơi…”
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.