Hiện tại chị là giảng viên ngành kinh tế nông nghiệp và Phó phòng Truyền thông & tuyển sinh của Trường ĐH Quang Trung (TP.Quy Nhơn).
Cảnh chia sẻ: “Tôi mong muốn mọi người hãy thay đổi thói quen sống, hãy dùng những sản phẩm tốt cho sức khỏe, đừng vì sự tiện lợi nhất thời mà ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân. Đó là động lực để tôi quyết định phát triển sản phẩm bún khô, phở khô của gia đình, đưa sản phẩm đến với nhiều người hơn nữa”.
Giảng viên trẻ Lê Thị Cảnh và sản phẩm bún khô đang sản xuất và bán rộng rãi |
NVCC |
Vậy là “bún cô Cảnh” với cái tên Kicafoods xuất hiện trên thị trường, ban đầu là trong tỉnh, rồi bắt đầu mở rộng ra nhiều địa phương khác trong cả nước. Để tìm cho mình một lối đi riêng mang tính bền vững, Cảnh phải rất nỗ lực để giữ chữ “sạch”. Sạch ở đây được bắt đầu từ khâu chọn nguyên liệu.
Chị cho biết bún được làm từ 100% gạo, không pha thêm tạp chất chính là yếu tố tiên quyết để tạo nên những sợi bún dai ngon, đạt chuẩn. Chọn gạo là bước đầu tiên và cũng là khâu quan trọng nhất. Gạo đạt chuẩn dùng làm bún ở làng nghề phải là loại gạo ngon, không mối mọt, nấm mốc hay bị lẫn tạp chất. Gạo nấu lên không được dẻo, nếu gạo dẻo sẽ không làm được bún và khi luộc sợi bún rất dính, ăn sẽ không ngon.
Bên cạnh đó, sợi bún ngon phải giữ được hương thơm của gạo, do đó loại gạo được dùng trong sản xuất bún khô đóng vai trò rất quan trọng quyết định chất lượng sản phẩm. Kế đến, các bước khác cũng phải được đảm bảo vệ sinh và nói không với hóa chất, phụ gia.
Với Cảnh, khi là một giảng viên trẻ và phát triển thêm nghề tay trái thì thuận lợi đầu tiên là bản thân luôn dùng cái tâm của người giảng viên, sự nhiệt tình của tuổi trẻ để làm mọi việc. Chính vì vậy, sản phẩm làm ra phải luôn cam kết về chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, nhưng vẫn đảm bảo mức giá hợp lý. Bên cạnh đó, là khả năng tìm tòi, học hỏi cái mới áp dụng vào trong sản xuất của một người trẻ.
Chị tâm sự: “Việc khó khăn nhất là bản thân phải dám bước ra khỏi vùng an toàn của mình, bước qua giới hạn là một người giảng viên để đương đầu với những thách thức lớn hơn. Tôi đã đi đến từng chợ lớn nhỏ, vào từng tiệm tạp hóa và gặp gỡ những chị bán hàng để trao đổi, giới thiệu. Tôi cũng đã đi giao hàng cho đồng nghiệp, cho học trò của mình và thật hạnh phúc khi làm việc này”.
Hiện nay sản phẩm bún - phở khô của cơ sở sản xuất thực phẩm Kicafoods đã được thị trường đón nhận rất tích cực, có mặt ở nhiều địa phương trong cả nước và sẽ hướng đến xuất khẩu. Năm 2021, H.Hoài Ân (Bình Định) có 4 sản phẩm đăng ký OCOP cấp tỉnh, trong đó có Kicafoods.
Theo ông Phan Thành Giản, quyền Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bình Định, đến nay chi cục đã hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP lần 1 năm 2021 trình UBND tỉnh công nhận. Chi cục tiếp tục hỗ trợ các chủ thể OCOP của tỉnh tham gia các buổi kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ các địa phương, các chủ thể sản xuất OCOP trong quá trình phát triển.
Bình luận (0)