Giảng viên trường Lâm nghiệp phát hiện 15 loài bò sát mới tại Đông Dương

Quý Hiên
Quý Hiên
29/03/2019 08:19 GMT+7

Từ năm 2011 đến nay, một giảng viên Trường đại học Lâm nghiệp cùng các cộng sự đã phát hiện 15 loài bò sát mới ở khu vực Đông Dương. Riêng ở Việt Nam có 2 loài, trong đó 1 loài đã được đưa vào sách đỏ .

Theo thông tin từ Trường đại học Lâm nghiệp, từ năm 2011 đến 2018, TS Lưu Quang Vinh, một giảng viên của trường, cùng với các cộng sự ở nhiều đơn vị đào tạo, nghiên cứu trong và ngoài nước đã phát hiện 15 loài bò sát mới ở khu vực Đông Dương. Trong đó, phát hiện tại Lào 13 loài, tại việt Nam 2 loài.
Trao đổi với Thanh Niên, TS Lưu Quang Vinh cho biết, công cuộc tìm kiếm các loài bò sát mới ở khu vực Đông Dương của ông và các cộng sự được thực hiện bắt đầu từ năm 2011, với kết quả đầu tiên thu được là loài bò sát mà ông đặt tên là Thằn lằn chân ngón hương sơn (Cyrtodactylus huongsonensis), được phát hiện ở vùng núi đá vôi khu vực chùa Hương, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Từ bấy đến nay, ông cùng với các cộng sự ở Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật Đại học Quốc gia Hà Nội, Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), Đại học Quốc gia Lào, Đại học Tổng hợp Cologne, Vườn thú Cologne (Đức) tiếp tục phát hiện thêm 14 loài nữa. Tất cả các phát hiện đều có sinh cảnh chung là vùng núi đá vôi, chủ yếu tập trung ở khu bảo tồn thiên nhiên Hin Nậm Nô, tỉnh Khăm Muộn, Lào.
Những phát hiện trên đã được công bố rải rác trên các tạp chí quốc tế uy tín về động vật học (Zootaxa) từ năm 2011 đến nay. Mới đây nhất là bài viết về loài rắn khuyết banksi (Lycodon banksi) đăng tải trên Tạp chí Revue suisse de Zoologie do Bảo tàng Geneva Museum và Hiệp hội động vật học Thụy Sĩ xuất bản. Đây là một tạp chí nằm trong danh mục tạp chí SCI (là những tạp chí hàng đầu thế giới về khoa học và công nghệ vì quá trình chọn lọc tạp chí vào danh mục này là rất nghiêm ngặt).
Theo TS Lưu Quang Vinh, trong 2 loài mà ông và cộng sự được phát hiện ở Việt Nam có 1 loài vừa phát hiện xong thì được đưa ngay vào danh mục Danh lục đỏ thế giới IUCN 2018 (diện động vật phải thực hiện các giải pháp bảo tồn khẩn cấp). Đó là loài được TS Vinh đặt tên là Thằn lằn chân ngón gia lai (Cyrtodactylus gialaiensis). 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.