Giành giật với tử thần!

03/08/2011 11:09 GMT+7

Không vắc-xin, không thuốc điều trị đặc hiệu… nên dịch bệnh tay chân miệng ập đến đã khiến các thầy thuốc và bệnh nhi vào một cuộc chiến hồi hộp, bấp bênh.

Thời gian trước, mỗi lần có bệnh nhi tay chân miệng độ 4 nhập viện, nỗi lo sợ lại bao trùm lên các thầy thuốc. Độ 4 là mức độ nặng nhất của căn bệnh, cuộc chiến giành sự sống thường là vô vọng. Nỗi đau ấy khiến các bác sĩ nhi khoa miệt mài lao vào nghiên cứu. Những cách điều trị chưa từng có trong y văn được đưa vào áp dụng.

Hy vọng mong manh

Hôm chúng tôi đến thăm Khoa Hồi sức tích cực – chống độc của Bệnh viện Nhi Đồng 1- TPHCM, các bác sĩ đã kể lại nhiều ca lội ngược dòng, giành lại những đứa trẻ từ “lưỡi hái thần chết”.

 
Một trẻ  mắc bệnh tay chân miệng nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 -TPHCM

Thông thường, nếu bệnh nhân ngưng tim đã được cấp cứu 20-30 phút mà các dấu hiệu sinh tồn vẫn chưa trở lại, ca bệnh ấy xem như hết hy vọng. Nhưng lần đó, ê kíp trực đã vật lộn suốt hơn một giờ để cứu bé G. (3 tuổi), được chuyển đến từ một bệnh viện ở Bến Tre. Giờ thứ 16 sau khi nhập viện, cơn sốc ập đến.

Một lần, trong lúc sắp mất một bệnh nhi, họ quyết định lọc máu liên tục để lấy ra các chất gây nên những triệu chứng bất lợi. Bệnh nhân hồi sinh. Phương pháp chưa từng có trong y văn ấy đã nhanh chóng được phổ biến rộng rãi cho các đồng nghiệp trong ngành. Ban đầu, nhiều người còn không tin vào hiệu quả của nó nhưng những em bé hồi phục đã trở thành minh chứng rõ ràng.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực – chống độc, nhớ lại: “Trưa hôm ấy, chúng tôi đang bàn bạc nên làm những gì để bé qua được 24 giờ đầu tiên, vì qua được ngưỡng đó thì cơ hội bình phục là rất lớn. Bỗng dưng những dấu hiệu bất thường xuất hiện trên màn hình điện tâm đồ cho thấy bệnh nhân rối loạn nhịp tim rất nặng. Tôi chỉ kịp la lên thông báo tình hình khẩn cấp rồi cùng các đồng nghiệp lao vào cuộc đua. Có lúc tưởng như phải bỏ cuộc. Chúng tôi ấn tim, sốc điện, thông khí, dùng thuốc chống loạn nhịp… Thời gian cứ trôi mà những gì hiển thị trên màn hình điện tâm đồ vẫn không thay đổi, buông tay ra là xem như chịu thua”.Trường hợp bé gái N.N (3 tuổi, ngụ huyện Củ Chi – TPHCM) nhập viện hồi đầu tháng 7 vừa qua cũng là một kỳ tích. Lúc nhập viện, bé được chẩn đoán là bệnh tay chân miệng độ 4, biến chứng thần kinh, suy hô hấp tuần hoàn. Giờ thứ 12 sau khi nhập viện, bệnh nhân đang được lọc máu thì rơi vào cơn rối loạn nhịp tim nặng, biểu hiện bằng rung thất. Phải hơn 15 phút cấp cứu mới trở lại bình thường nhưng nguy hiểm vẫn chưa qua vì đến giờ thứ 19, cơn sốc thứ hai ập đến gây sốt cao liên tục không hạ, hôn mê, suy hô hấp… Ê kíp trực lại khẩn trương lọc máu liên tục phối hợp hồi sức hô hấp tuần hoàn, chống co giật, phù não…

Trước đây, những ca bệnh tay chân miệng độ 4 hầu như không có hy vọng nhưng đến lượt N.N thì các thầy thuốc đã chiến thắng. Đến nay, sau hơn 3 tuần điều trị, bệnh nhân đã hồi phục. Tấm ảnh cô bé N.N trắng trẻo, xinh xắn trong vòng tay cha được đưa lên website của bệnh viện như một chứng tích của phép mầu có thật – phép mầu y học.

 
Bé N trong vòng tay cha. Ảnh: Bệnh vện Nhi Đồng 1

Hoàn chỉnh phác đồ điều trị

“Khi phương pháp lọc máu liên tục chưa được áp dụng, chúng tôi rất sợ khi thấy một bệnh nhi tay chân miệng quá nặng được đưa vào viện vì y học hiện tại chưa có cách nào để cứu. Bệnh tay chân miệng lại diễn tiến quá nhanh…” – đôi mắt một nữ bác sĩ tại khoa đã chớm ướt lúc kể lại những mùa dịch trước, khi mà căn bệnh này hãy còn lạ với y học thế giới nhưng đã nhanh chóng cướp đi sinh mạng nhiều trẻ thơ mà cho đến nay vẫn chưa có vắc-xin hay một loại thuốc điều trị đặc hiệu nào để chống lại nó.

Điều dưỡng trưởng Lê Thị Uyên Ly chia sẻ: “Ngày trước, thậm chí chúng tôi bị stress vì phải chứng kiến quá nhiều trẻ tử vong vì căn bệnh quái ác này. Buồn lắm chứ khi mọi người đã cố hết sức mà vẫn không giữ được tính mạng cho các cháu…”.

Nỗi ám ảnh khôn nguôi về những đôi mắt trẻ thơ phải khép lại vĩnh viễn đã thôi thúc các bác sĩ tập trung tìm hiểu, nghiên cứu. Họ lên mạng đọc và nghiên cứu thông qua tài liệu của các nước đã từng trải qua dịch tay chân miệng. Mỗi ca thất bại hay chưa hoàn toàn thành công, một cuộc họp khẩn lập tức được tổ chức để phân tích rõ nguyên nhân.

Thạc sĩ - bác sĩ Trần Hoàng Út, một bác sĩ của Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, cho biết thêm,  hiện tập thể khoa đang nỗ lực hoàn chỉnh phác đồ điều trị với niềm hy vọng chung là tỉ lệ trẻ được cứu sống sẽ ngày một tăng.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.