Có tất cả 870 nông lâm trường quốc doanh, nắm giữ 7,5 triệu ha đất (23,2% diện tích đất tự nhiên).
Các nông lâm trường quốc doanh khi thành lập đã được trao nhiều nhiệm vụ quan trọng như khai thác gỗ, lâm sản, đất đai, khai hoang mở rộng diện tích đất nông nghiệp, làm đầu tàu hướng dẫn các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) ở địa phương, phát triển hạ tầng nông thôn, tạo điểm sáng văn hóa cho nông dân. Trên thực tế, các nhiệm vụ này cũng chưa thực hiện được mấy, ngoài nhiệm vụ khai thác gỗ và lâm sản.
Trước ngữ cảnh các nông lâm trường quốc doanh (NLTQD) đang nắm giữ một diện tích đất rất rộng nhưng sử dụng không hiệu quả, trong khi đó các hộ nông dân ở địa phương lại thiếu đất sản xuất, nhất là nông dân thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW với yêu cầu rà soát lại hoạt động của các NLTQD, chuyển đổi mô hình tổ chức cho phù hợp, tạo điều kiện phát triển cho các đơn vị có tiềm năng, giải thể các đơn vị yếu kém. Tương tự, quỹ đất cũng được rà soát để quy hoạch lại đất đai cho phù hợp với nhu cầu của các NLTQD được tiếp tục phát triển, một phần đất có vi phạm pháp luật, sử dụng không hiệu quả hoặc không có nhu cầu sử dụng được giao lại cho địa phương.
Mặc dù Chính phủ đã ban hành khung pháp lý khá hoàn chỉnh, nhưng trong suốt 10 năm 2003 - 2013, Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị mới thực hiện được phần hình thức thay đổi tên các NLTQD thành ban quản lý rừng hoặc doanh nghiệp nhà nước về nông, lâm nghiệp. Các nội dung liên quan về đổi mới hoạt động của các NLTQD và chính sách đất đai gần như chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng với yêu cầu đặt ra.
Tại sao thực hiện Nghị quyết số 28 lại yếu kém như vậy? Từ khảo sát thực tế, có thể đưa ra một số câu trả lời:
Các dữ liệu rà soát đều do các NLTQD tự báo cáo để cơ quan nhà nước tập hợp, đa số các số liệu này thiếu chính xác. Trên thực tế, dựa vào số liệu tự rà soát nói trên, không thể đưa ra quyết định nào!
Khó tìm ra được phương thức giải quyết tình trạng lấn chiếm và tranh chấp đất đai giữa NLTQD và nông dân địa phương khi mà ranh giới đã không minh bạch ngay từ khi thành lập, ai cũng có lý khi nói rằng đất đó là của mình.
Hiện nay, một số NLTQD đã tự rà soát quỹ đất đang sử dụng để giao lại một phần cho địa phương. Rất tiếc, đất đã giao cho địa phương hầu hết là đất thiếu khả năng canh tác, đất ở quá xa nơi cộng đồng sinh sống, và cũng không giúp gì thêm cho nhu cầu giải quyết tình trạng thiếu đất ở địa phương.
Vậy phải làm gì trong thời gian tới?
Trong thời gian bắt đầu đổi mới, chính sách giao đất của HTXNN cho hộ gia đình, cá nhân để sử dụng ổn định lâu dài đã làm thay đổi quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, đưa nước ta từ tình trạng thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Các HTXNN được chuyển sang mô hình cung cấp dịch vụ sản xuất nông nghiệp. Đây là một kinh nghiệm quyết định chính sách đúng và trúng mang tính điển hình.
Tương tự, cần thực hiện chính sách giao đất của các doanh nghiệp nhà nước về nông, lâm nghiệp cho nông dân ở địa phương, trừ các doanh nghiệp thực sự có tiềm năng tổ chức sản xuất nông nghiệp hiện đại. Các doanh nghiệp được chuyển sang hoạt động cung cấp dịch vụ sản xuất nông nghiệp hiện đại như cung cấp dịch vụ hạ tầng, công nghệ, cây giống, phân bón...
Mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững là mô hình mà người nông dân có đất, trực tiếp sản xuất trên đất của mình trong mối liên kết tiếp nhận dịch vụ do các doanh nghiệp cung cấp và doanh nghiệp chịu trách nhiệm bao tiêu nông sản. Giải pháp tốt nhất về đất đai do các nông, lâm trường quốc doanh đang nắm giữ cần được hướng theo mô hình nông nghiệp bền vững.
Bình luận (0)