(TNO) Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, mỗi ha đất nông lâm trường trong 10 năm cũng chỉ nộp ngân sách được có 80.000 - 90.000 đồng.
Sáng nay 22.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Chương trình giám sát báo cáo; Chính phủ báo cáo (bổ sung) về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004 - 2014.
Theo báo cáo của Đoàn giám sát, các nông, lâm trường hiện nay được nhà nước giao quản lý với diện tích đất đai khá lớn (7.916.467 ha, trong đó có 2.410.970 ha rừng sản xuất, 638.985 ha đất sản xuất nông nghiệp và 236.619 ha đất chưa sử dụng). Nhưng việc sử dụng đất kém hiệu quả, giao khoán sử dụng sai mục đích, sai đối tượng khá nhiều, dẫn đến thất thoát, lãng phí tài nguyên đất đai còn khá phổ biến.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách dẫn con số báo cáo cho thấy: Trong vòng 10 năm (từ 2004 - 2014), tổng nộp ngân sách nhà nước của các nông, lâm trường chỉ được có 1.809 tỉ đồng. Ông so sánh: “Chia ra mỗi năm được có 180 tỉ đồng, không bằng một nhà máy. Còn mỗi ha, trong 10 năm cũng chỉ nộp ngân sách được có 80.000 - 90.000 đồng, bằng 10 cân gạo loại bình thường. Giao đất nông, lâm trường như thế thì chết, nguy hiểm quá”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Ông Hiển cho rằng, để xảy ra tình trạng như vậy có lỗi của quy hoạch, Nhà nước không làm được nhưng vẫn cứ giữ khư khư. “Tại sao kém hiệu quả như vậy mà chúng ta cứ khư khư giữ lấy, có lợi ích gì ở đây không. Phải chuyển giao đi. Tôi cho rằng khi nào chúng ta chuyển đổi sản xuất, giao đất giao rừng cho người dân thì mới có hiệu quả”, ông Hiển đề nghị.
Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhắc lại câu chuyện đau lòng tại Nông trường Sông Hậu khi từ đời bố đến đời con quản lý nông trường này đều là anh hùng. Đất nông trường trước đó chỉ là sình lầy, sau được công sức của bao nhiêu người khai phá, gây dựng đến nay làm ăn thua lỗ, đất đai chuyển sang tư nhân hết. Theo Phó chủ tịch Quốc hội, việc cấp đất đai quá tự do, từ “ông tư lệnh” cũng cắt đất để bán, bà con dân tộc cũng bán, nên không còn sản xuất, trồng trọt được, lại đi phá rừng.
“Cơ quan Nhà nước không quản lý được, làm ăn không hiệu quả, lãng phí tài nguyên đất nước. Các địa phương, Chính phủ phải xem lại, nếu thấy không hiệu quả phải kiên quyết thu hồi để cho người dân trồng rừng, trồng lúa”, Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị.
Bình luận