Chiều 11.6, với 443 đại biểu Quốc hội tán thành (92,56% tổng số đại biểu), Quốc hội thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải đã trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nợ đọng thuếcòn cao
Một số ý kiến cho rằng, việc giao dự toán thu cho nhiều địa phương cao hơn khả năng thực hiện. Nhiều khoản thu không đạt dự toán, thu ngân sách nhà nước chưa phản ánh được thực tế tăng trưởng của nền kinh tế.
Giải trình vấn đề này, ông Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thừa nhận công tác công tác lập và giao dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2017 còn hạn chế nhất định, như ý kiến đại biểu Quốc hội đã nêu.
Ông Hải khẳng định, việc giao dự toán thu không sát gây không ít khó khăn, bị động cho các địa phương trong quá trình điều hành thực hiện dự toán ngân sách nhà nước hàng năm.
“Rút kinh nghiệm các năm trước, Chính phủ đã trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 ở mức phù hợp hơn, thu nội địa tăng 6,7% so với năm 2018, bảo đảm tính sát thực, tạo chủ động trong điều hành ngân sách nhà nước”, ông Hải cho hay.
Bên cạnh đó, giải trình về tình trạng trốn lậu thuế ảnh hưởng tới nguồn thu, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài quốc doanh, có vốn đầu tư nước ngoài, ông Hải cho hay, thực tế cho thấy vẫn còn một bộ phận người nộp thuế khai sai, khai thiếu số thuế phải nộp, có hành vi trốn lậu, nộp chậm, chiếm dụng tiền thuế.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục tập trung vào công tác thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để ngăn chặn kịp thời các phương thức, thủ đoạn trốn lậu thuế cũng như thực hiện tốt các biện pháp cưỡng chế, thu hồi nợ thuế cho ngân sách nhà nước.
Về nợ đọng thuế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tổng số nợ thuế do ngành thuế quản lý còn lớn (82.659 tỷ đồng), tăng 681 tỷ đồng so với năm 2016 và bằng 7,59% số thực thu nội địa năm 2017.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ xác định rõ các nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng nợ đọng thuế để đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách, nhằm tháo gỡ các vướng mắc hiện hành (nếu có), sát sao trong chỉ đạo, điều hành để thực hiện hiệu quả hơn công tác quản lý, đôn đốc, cưỡng chế, thu hồi nợ thuế, góp phần giảm dần số nợ đọng thuế qua các năm.
Kỷ luật, kỷ cương quản lý ngân sách còn bất cập
Một số đại biểu Quốc hội ý kiến cho rằng, nhiều khoản chi quan trọng không đạt dự toán, vẫn còn tình trạng chưa tuân thủ các tiêu chuẩn, chế độ, định mức chi. Tình trạng lập và giao dự toán chi đầu tư còn chậm, giao chưa đúng đối tượng, nhiều bộ, ngành trung ương giải ngân vốn đầu tư chậm.
Theo ông Hải, dù đã triển khai nhiều giải pháp trong quản lý, điều hành thực hiện dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2017, kết quả thực hiện vẫn còn một số bất cập nhưng nhiệm vụ chi quan trọng không đạt dự toán, phải chuyển nguồn sang năm sau; chi đầu tư còn tình trạng phân bổ, giao vốn, giải ngân chậm làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.
“Thực trạng này đã diễn ra trong nhiều năm và là một trong những biểu hiện của lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn lực, đặc biệt trong bối cảnh nguồn thu còn hạn hẹp, nhiều nhiệm vụ chi cần thiết khác chưa được bố trí đủ nguồn”, ông Hải trình bày.
Từ đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sát sao hơn để khắc phục triệt để tình trạng này, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước.
Một số ý kiến cho rằng, báo cáo quyết toán chưa nêu được tồn tại, hạn chế, bất cập; chưa đánh giá nguyên nhân và giải pháp. Nhiều tồn tại, hạn chế năm 2016 đã nêu nhưng vẫn để lặp lại trong quyết toán năm 2017.
Giải trình vấn đề này, ông Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong năm 2017 vẫn còn tình trạng chi sai chế độ vẫn còn tồn tại, việc triển khai nhiệm vụ chi ngân sách ở một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn chậm so với quy định...
"Việc để lặp lại các hạn chế này trong nhiều năm thể hiện kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, điều hành ngân sách nhà nước còn bất cập", ông Hải nhấn mạnh, và đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để có những biện pháp quyết liệt hơn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành ngân sách nhà nước.
Theo nghị quyết vừa được thông qua, Quốc hội phê chuẩn tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2017 là hơn 1,6 triệu tỉ, bao gồm số thu chuyển nguồn từ năm 2016 sang năm 2017, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2016, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của luật Ngân sách nhà nước.
Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước cũng là hơn 1,6 triệu tỉ, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2017 sang năm 2018.
Số bội chi ngân sách nhà nước là gần 137 nghìn tỉ, bằng 2,74% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.
Nguồn bù đắp bội chi ngân sách trung ương gồm: vay trong nước hơn 70.000 tỉ đồng, vay ngoài nước gần 67.000 tỉ.
Tổng mức vay của ngân sách nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 283.981 tỉ đồng.
|
Bình luận (0)