Giáo dục bằng tình thương

07/11/2015 08:16 GMT+7

Mỗi ngày đưa con đến trường, cha mẹ nào cũng mong muốn con mình sẽ học được một điều gì đó để trưởng thành. Khi trao tay con vào tay thầy cô, cha mẹ cũng tin cậy con sẽ được dạy dỗ nên người. Mặc nhiên ai cũng hiểu rằng nhà trường là nơi để giáo dục, khuyến khích và tạo bệ phóng để học sinh (HS) vươn lên.

Mỗi ngày đưa con đến trường, cha mẹ nào cũng mong muốn con mình sẽ học được một điều gì đó để trưởng thành. Khi trao tay con vào tay thầy cô, cha mẹ cũng tin cậy con sẽ được dạy dỗ nên người. Mặc nhiên ai cũng hiểu rằng nhà trường là nơi để giáo dục, khuyến khích và tạo bệ phóng để học sinh (HS) vươn lên.

Với cách nhìn này thì nhà trường không thể chối bỏ hoặc đẩy ra ngoài những HS chưa ngoan theo quan điểm của mình. Ngược lại, nên tạo điều kiện để HS nhận ra sai lầm, sửa sai và hướng thiện. Thế nhưng, cách đánh giá hạnh kiểm HS hiện nay trong các nhà trường lại quá nhạt nhòa về tính giáo dục mà nặng về sự phán xét, kết tội. Cách đánh giá này chỉ nhằm hướng đến HS bình thường mà gạt ra ngoài những HS cá tính, có hoàn cảnh đặc biệt.
Chuyên gia tâm lý và chính các bậc làm cha mẹ cũng hiểu rằng ở lứa tuổi HS, đặc biệt cấp THCS và THPT đó là khi con người ta dễ “nổi loạn” nhất; dễ sai lầm trong cách nhìn nhận, đánh giá dẫn đến những hành vi không đúng chuẩn mực. Nếu chỉ vì những sai lầm ở lứa tuổi còn nhiều chông chênh này mà bị gia đình, nhà trường chối bỏ, những HS này đi đến mặc cảm, tự ti, tuột dốc và có khi cuộc đời rẽ theo hướng càng tồi tệ hơn. Một cái hạ bút hạnh kiểm yếu, một lời nhận xét không hay ghi vào học bạ của giáo viên ngày hôm nay như là một dấu đóng trên trán người nô lệ đối với cuộc đời HS sau này - khó mà xóa nhòa được.
Có bao nhiêu câu chuyện tiếc nuối từ những người thầy về cách đánh giá, kỷ luật HS trong quá khứ khiến về sau cứ day dứt. Ngược lại, cũng có không ít người cảm ơn những người thầy biết cảm thông, chia sẻ, tha thứ, tìm cách dạy dỗ những HS chưa ngoan để họ đứng dậy đi tiếp, làm lại cuộc đời.
Trong nhiều phương pháp giáo dục, có lẽ giáo dục bằng tình yêu thương dễ đạt hiệu quả nhưng cũng là khó nhất. Đuổi học một HS, kỷ luật hạ hạnh kiểm thì dễ nhưng đó không phải là cách giáo dục tốt nếu không muốn nói là một sự thất bại. Nó cũng không phải là cách giúp người ta nhìn nhận ra sai lầm và cũng không khuyến khích vươn lên. Giáo dục bằng tình thương không có nghĩa ve vuốt, chiều chuộng mà là đi từ tấm lòng yêu thương với một khát khao đem lại cho HS những gì tốt nhất.
Trong 10 năm nghiên cứu những tinh thể nước đóng băng, Masaru Emoto (tác giả cuốn sách Thông điệp của nước) nhận ra rằng nước sẽ đóng thành những tinh thể đẹp, có cấu trúc đặc biệt nếu nghe được những bản nhạc cổ điển có sắc thái tươi sáng, nhẹ nhàng; tiếp xúc với những ngôn từ tích cực. Ngược lại, chúng sẽ cho ra đời những tinh thể có cấu trúc xấu.
Thông điệp từ những thí nghiệm này là mọi thứ sẽ lớn lên, tốt đẹp hơn trong tình yêu thương.
Nhà trường vì vậy phải là nơi an trú của tình thương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.