Trường học không phải là tòa án

24/08/2015 10:30 GMT+7

Trẻ em cần được dạy cách cư xử đúng đắn, cần biết việc gì đúng nên làm và việc gì sai nên tránh nhưng tôi không ủng hộ việc chấm điểm hạnh kiểm cho học sinh.

Trẻ em cần được dạy cách cư xử đúng đắn, cần biết việc gì đúng nên làm và việc gì sai nên tránh nhưng tôi không ủng hộ việc chấm điểm hạnh kiểm cho học sinh.
Trường học không phải là tòa án, thầy cô cũng không phải là quan tòa để phán xử đạo đức của bất kỳ ai - Ảnh: Đào Ngọc ThạchTrường học không phải là tòa án, thầy cô cũng không phải là quan tòa để phán xử đạo đức của bất kỳ ai - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Những ai từng đi qua thời học sinh ở Việt Nam chắc đều không quên được cái cảm giác khó tả mỗi khi, thường là vào dịp cuối năm học, mình nhận được "phán quyết" từ thầy cô về đạo đức, hạnh kiểm của bản thân. Em A xếp loại hạnh kiểm khá, em B xếp loại hạnh kiểm trung bình vân vân. Thậm chí, đôi khi thứ hạng hạnh kiểm còn được đọc công khai trước lớp, lúc đó những người có hạnh kiểm "trung bình", "kém" chắc là rất xấu hổ.
Theo tôi, trẻ em cần được dạy cách cư xử đúng đắn, cần biết việc gì đúng nên làm và việc gì sai nên tránh nhưng tôi không ủng hộ việc chấm điểm hạnh kiểm cho học sinh. Khi tôi còn ở Việt Nam, cô giáo tôi thường kiểm tra bàn của từng học sinh và chấm điểm xem bàn của ai sạch, ai bẩn, ai nói chuyện trong lớp, ai đi học muộn, ai không làm đủ bài tập… Những cái điểm con con ấy là thước đo để đánh giá đạo đức của chúng tôi. Tất nhiên ở New Zealand thì chẳng có một hệ thống nào chấm điểm đạo đức của học sinh cả. Trái lại, phụ huynh và thầy cô giáo thường xuyên có những buổi trao đổi riêng về tình hình học tập của học sinh ở trường. Thầy cô giáo nói với cha mẹ về cách học tập của học sinh và nhận xét về con của họ.
Mục đích của việc xếp loại hạnh kiểm học sinh là gì và liệu cách thức đánh giá theo tiêu chí “học kém thì không thể đạo đức tốt được” có phải là cách đánh giá đúng? Theo tôi, đây là một tư duy không thể chấp nhận được. Có thể một học sinh học không giỏi nhưng cũng không có nghĩa là học sinh đó đạo đức không tốt. 
Khi tôi mới chuyển đến đây mọi thứ đều lạ lẫm, văn hóa khác, cách thức học tập, ngôn ngữ khác… tôi cảm thấy lạc lõng, tôi thấy mình ở trong một thế giới hoàn toàn xa lạ và cách cư xử của tôi với các bạn cùng lớp khi đó cũng kỳ dị, chắc thế. Để giúp tôi hòa nhập với môi trường mới, mẹ tôi đã nhiều lần nói chuyện với cô giáo về tôi. Sau những lần trao đổi đó mẹ và cô giáo đã nói chuyện với tôi để giúp tôi hiểu những gì mình cần làm, cần sửa đổi. Ở đây, nhà trường và cha mẹ học sinh liên kết với nhau gần như mọi lúc. Khi học sinh làm gì đó ảnh hưởng đến người khác, thầy cô sẽ gọi cha mẹ đến trường để cùng giải quyết mọi việc.
Năm ngoái, một học sinh lớp tôi đã chạy ra khỏi trường học sau khi đánh nhau với một học sinh khác. Thầy hiệu trưởng  đã gọi cho mẹ của bạn ấy đến. Sau đó bạn đã nhận ra lỗi của mình và làm hòa với bạn kia. Ở trường, khi học sinh nào đó có hành vi ứng xử không đúng mực đều được điều chỉnh ngay để họ biết mình sai và sửa lỗi. Trong báo cáo kết quả học tập gửi cho cha mẹ vào cuối các kỳ học hoặc cuối năm, các thầy cô thường nhận xét từng trò đã tiến bộ ở điểm nào, cần khắc phục những mặt nào chứ không đánh giá hay xếp loại hạnh kiểm tốt, khá, trung bình, yếu.  
Trở lại câu chuyện xếp loại hạnh kiểm ở Việt Nam, có thể ai đó sẽ nói trường học ở Việt Nam cần xếp loại hạnh kiểm vì dân số Việt Nam quá đông, nhưng mục đích của việc xếp loại hạnh kiểm học sinh là gì và liệu cách thức đánh giá theo tiêu chí “học kém thì không thể đạo đức tốt được” có phải là cách đánh giá đúng? Theo tôi đây là một tư duy không thể chấp nhận. Có thể một học sinh học không giỏi nhưng cũng không có nghĩa là học sinh đó đạo đức không tốt. Tôi cho rằng không nên chấm điểm hay xếp hạng hạnh kiểm của học sinh vì thử tưởng tượng xem, một người tốt nghiệp phổ thông trung học loại trung bình, với lý lịch loại hạnh kiểm trung bình, hoặc khá, sẽ được xã hội, và nhất là những nhà tuyển dụng nhìn bằng con mắt như thế nào? Chỉ cần nhìn vào xếp loại hạnh kiểm đó thôi đã đủ cho người đó khó có thể có tương lai tươi sáng rồi bất kể đạo đức của họ ra sao. 
Vậy nên chăng, hãy bỏ đánh giá đạo đức và xếp loại hạnh kiểm của học sinh, thưa Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường học không phải là tòa án, thầy cô cũng không phải là quan tòa để phán xử đạo đức của bất kỳ ai!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.