Giáo dục đại học cần tạo được niềm tin nơi xã hội

Quý Hiên
Quý Hiên
25/10/2018 20:07 GMT+7

Một trong hai thách thức lớn nhất hiện nay của giáo dục đại học là thiếu niềm tin của xã hội , ý kiến một đại biểu trong tọa đàm “Tự chủ đại học - Xu thế phát triển tất yếu”, diễn ra ngày 25.10 tại Hà Nội.

Toạ đàm do Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức.

Trao đổi tại toạ đàm, TS Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và đào tạo, dạy nghề (Ban Tuyên giáo T.Ư), nhận xét một trong hai thách thức lớn nhất của giáo dục đại học mấy năm nay là thiếu niềm tin của xã hội.

Theo TS Hưng, nếu đánh giá công bằng thì giáo dục đại học trong những năm gần đây về tổng thể làm được rất nhiều việc, đạt được những chuyển biến tích cực.

Chẳng hạn, trước khi thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, chúng ta chưa có trường nào nằm trong top 1000 trường đại học trên thế giới. Sau 5 năm, chúng ta có 2 trường (là 2 đại học quốc gia). Trước đây, chúng ta có 2 trường nằm trong top 400 trường đại học của châu Á, giờ tăng lên thành 5 trường.

“Qua đó có thể khẳng định chất lượng giáo dục đai học một số ngành, một số lĩnh vực đào tạo có thể đã so sánh được với một số trường đại học lớn trong khu vực”, TS Hưng nhận định.

TS Hưng nêu thêm một số ví dụ khác: “Vừa rồi ĐH Quốc gia Hà Nội đã thực hiện một khảo sát với 25.000 sinh viên của 50 trường đại học thì nhận được một con số phấn khởi, đó là 84% sinh viên ra trường có việc làm sau 12 tháng. Hoặc theo báo cáo của Bộ GG-ĐT, số công trình nghiên cứu được công bố quốc tế và trong nước gần đây tăng gấp đôi giai đoạn trước đó”.

Theo TS Hưng, giải pháp trong thời gian tới là công tác tuyên truyền của ngành GD-ĐT phải kịp thời, phải chính xác, phải nói cho minh định những kết quả, những cái hạn chế, những cái khó khăn, để xã hội cùng chia sẻ, cùng cộng tác, giúp đỡ ngành GD-ĐT nói chung và đối với giáo dục đại học nói chung, lấy lại niềm tin trong nhân dân, trong xã hội.

Mặt khác, bản thân các trường đại học cũng phải vươn lên thể hiện mình, đặc biệt là những trường top đầu, phải khẳng định với xã hội rằng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực bậc đại học và sau đại học của Việt Nam không thua kém gì đối với chất lượng đào tạo ở các nước trong khu vực. Đồng thời, nhân lực của Việt Nam có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cạnh tranh bình đẳng trên sân chơi trong nước cũng như trong khu vực, có như vậy thì mới lấy lại được niềm tin trong xã hội với giáo dục đại học.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.