Ngổn ngang trường lớp
Thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp, đến nay 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL đã xây dựng được hơn 20.300 phòng học, chiếm 82% tổng số phòng học của chương trình. Tuy nhiên, do tiến độ thực hiện còn khá chậm nên hiện cả khu vực vẫn còn hàng chục ngàn phòng học tạm, học nhờ. Đơn cử như ở tỉnh Hậu Giang, để chuẩn bị cho năm học mới này, ngoài đẩy nhanh tiến độ thi công 12 dự án đang xây dựng kịp đưa vào sử dụng, ngành giáo dục cũng đã xây mới và nâng cấp, sửa chữa gần 100 phòng học và phòng chức năng bằng nguồn ngân sách tỉnh và vận động xã hội hóa. Tuy nhiên đến nay, tỉnh này vẫn còn hơn 650 phòng học tạm, phòng tre, lá xập xệ. Ngoài ra, các tỉnh còn nhiều phòng học nhờ, mượn tạm khác là Sóc Trăng (540 phòng), Kiên Giang (454), Đồng Tháp (438), An Giang (358), Trà Vinh (276), Cà Mau (269)…
|
Hiện tại, bậc học mầm non (MN) đang được xem là bậc học khó khăn nhất ở ĐBSCL. Cả khu vực vẫn còn trên 215 xã chưa có trường MN độc lập, hàng ngàn phòng học phải dựng nhờ trên đất của người dân, cơ sở khác. Tình trạng lớp học “ 4 không”: không điện, không nước, không nhà vệ sinh, không sân chơi vẫn rất phổ biến. Cô Nguyễn Thị Cẩm Hường, giáo viên Trường Mẫu giáo ở ấp 1, xã Long Trị (H.Long Mỹ, Hậu Giang), chia sẻ: “Việc dạy học cho các cháu ở đây thiếu thốn đủ thứ. Ngay như nhu cầu thiết yếu nhất là nhà vệ sinh cũng không có, phải sử dụng nhờ của nhà dân xung quanh. Sân chơi không có nên mọi sinh hoạt của các cháu đều diễn ra trong căn phòng xập xệ chưa đầy 30 m²”.
Ngay như ở TP.Cần Thơ, nơi được xem là có hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị khang trang nhất ở ĐBSCL, nhưng đối với bậc học MN tình hình cũng không khả quan hơn gì. Hầu hết các trường MN ở vùng ven đều phải mượn nhà thông tin, nhà dân, trường tiểu học để làm phòng học.
Thiếu giáo viên
Ngoài nỗi lo về cơ sở vật chất, tình trạng thiếu giáo viên (GV) đứng lớp vẫn đang rất phổ biến ở ĐBSCL, đặc biệt là ở bậc học MN. Theo số liệu tổng hợp mới đây, hiện cả khu vực còn thiếu khoảng 2.284 GVMN. Trong đó, địa phương thiếu nhiều nhất là Tiền Giang (488 GV), Cà Mau (253), Hậu Giang (248), Long An (212), Cần Thơ (200)… và vẫn còn 15% GV chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở GD-ĐT An Giang, cho biết năm học này, tỉnh có thêm 1.000 phòng học được xây mới nên nỗi lo về phòng học cơ bản được khắc phục. Tuy nhiên, về GV thì đang thiếu ở bậc học MN, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng biên giới. Ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp thì cho biết, dự kiến trong năm học mới này tỉnh sẽ tuyển dụng thêm 700 GV ở các cấp mới đủ để đáp ứng nhu cầu dạy học. Còn tại Cà Mau, dù đã hoàn thành các chương trình kiên cố hóa trường lớp nhưng ở 2 huyện Ngọc Hiển và Phú Tân vẫn đang thiếu GV trầm trọng. Hiện Sở GD-ĐT Cà Mau đang gấp rút tìm nguồn GV để đảm bảo việc giảng dạy tại các điểm trường.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, nguyên nhân thiếu GV một phần là do chế độ cũng như mức sống của nhiều GV vẫn chưa đảm bảo. Ở nhiều nơi vùng sâu, vùng xa, đời sống GV còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Để khắc phục tình trạng này, về lâu dài các địa phương cần ưu tiên xây dựng nhà công vụ cho những điểm trường có GV ở xa. Bên cạnh đó, phải đưa ra được dự báo trong những năm tới số lượng cung cấp GV cho các trường là bao nhiêu để chủ động đào tạo, tránh tình trạng khủng hoảng thiếu GV, buộc các trường phải đào tạo cấp tốc dẫn đến chất lượng không đáp ứng nhu cầu. “Phải thống kê số lượng giáo sinh của các khối thuộc ngành sư phạm; số lượng GV hằng năm nghỉ hưu bao nhiêu, đưa ra nhu cầu GV trong 10 năm tới. Trên cơ sở đó, đưa thông tin lên website của sở GD-ĐT để học sinh vào xem mà lựa chọn ngành nghề”, ông Bình nói.
Tú Uyên
>> Quy hoạch Cần Thơ thành trung tâm nghề cá ĐBSCL
>> Khu nghỉ dưỡng có sân tập golf ở ĐBSCL
>> ĐBSCL sẽ có thêm nhiều trường đại học, cao đẳng
>> Ưu tiên nhiều công trình giao thông tại ĐBSCL
>> Tin vắn nhịp sống ĐBSCL
>> 398 triệu USD nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL
Bình luận (0)