Cái tôi to tướng là điều có thể thấy khi nhiều người ở VN ép người khác để vượt lên chỉ một cái bánh xe khi đèn đỏ. Không nhanh hơn. Cũng chưa phạm luật. Nhưng lộn xộn và bất an. Cái tôi to tướng dần thành những thói xấu to tướng.
Tôi gặp nhiều người Việt của những thế hệ trước định cư tại Pháp, họ không có những thói quen ấy. Họ chia sẻ thời của họ rất tôn ti trật tự, có nhường nhịn. Vì thế, tôi không nghĩ những ứng xử xấu như kiểu bất chấp đó là bản chất của người Việt. Cùng với nhiều thói xấu khác, nó chỉ là cái tạm thời. Có điều, cái tạm thời này có thể kéo rất dài.
Thói vị kỷ ấy như vậy là một phản xạ có điều kiện.
Ở Pháp, bọn trẻ từ khi ở nhà trẻ, đi xem xiếc theo đoàn cũng đã có nguyên tắc đi lại. Nếu đi theo đoàn, các cháu dừng trước đèn đỏ, đi khi đèn xanh. Nếu đi cùng gia đình thì có thể chạy nhảy băng ra phía trước khi trên vỉa hè, nhưng đến vùng có sọc đi bộ thì tự động dừng lại chờ bố mẹ. Kể cả khi đèn xanh thì lúc đó các cháu vẫn đứng chờ bố mẹ dắt qua. Nhà trường và gia đình phối hợp nhịp nhàng như thế.
Ở VN, chuyện mặc kệ cứ làm theo ý thích lộn xộn, thiếu văn hóa dường như có hai lý do. Một là do sống quá lâu trong việc quyền lợi phân chia không rõ nên người ta sợ mất phần mà làm bậy. Thứ nữa là có tâm lý đám đông, thấy người ta làm việc xấu thì cũng làm theo. Lúc này, dường như không có chính kiến phải giữ thể diện nữa.
Tôi lại nói câu chuyện giáo dục ở Pháp. Các cháu nhỏ cũng kê ghế như ở VN, nhưng khi lớn lên độ lớp 5 đã có thảo luận, khi đó ghế kê hình tròn. Như thế, không có đằng trước, đằng sau, các em bình đẳng về giá trị. Sự giáo dục này cho thấy không phải ai sang đường trước, ai lấy được nhiều thức ăn trong buffet thì sẽ có giá trị hơn. Trong khi bạn bè tôi ở VN vẫn đối mặt hằng ngày với việc phải hơn mới là tốt, kể cả thứ hạng trong lớp. Như thế, câu chuyện văn hóa và giáo dục đều sai. Bởi văn hóa là tự thân có văn hóa chứ không phải hơn văn hóa người khác. Nó tạo thành sức ép phải hơn, hơn phần, hơn quyền người khác. Mỗi lúc một hơn nhiều hơn. Dần dần thành cứ phải cố hơn một cách mù quáng. Lâu dần sẽ dẫn đến ứng xử chẳng nhường chẳng nhịn chẳng giống ai - thành cái tôi to tướng.
Vì thế, để người Việt không xấu xí, phải bắt đầu từ giáo dục giá trị. Gia đình, xã hội phải tỉnh táo trong việc xác định giá trị cho con. Giá trị tốt này cũng cần như giá trị tốt kia. Sự nhường nhịn cũng tốt như việc hiểu cặn kẽ một cuốn sách, kiếm được một hợp đồng kinh tế lớn hợp pháp. Giá trị tốt thì phải giữ, dù chỉ một mình mình giữ thì vẫn không nghiêng ngả theo số đông.
Ngay cả sửa sai, cũng phải từ từ. Không vì xe bên cạnh sấn sổ vượt lên mà mình cũng chở con vượt theo. Đứa trẻ sẽ hoang mang. Đi từng bước một vừa sức mình thì mới đi được đường dài.
TS Ng.Thụy Phương
(ĐH Paris Descartes)
Bình luận (0)