Vừa qua, có nhiều báo đưa tin “Hàng loạt trường cao đẳng, đại học đóng cửa: không thể kinh doanh giáo dục”. Chuyện này dường như không đúng thực tế.
Nhiều trường ĐH, CĐ vẫn đang tiếp tục xét tuyển với hy vọng tìm được người học mới duy trì sự tồn tại của trường - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Không kinh doanh mà khắp nơi đua nhau chạy giấy phép mở trường. Nghe đâu cũng trên dưới nửa tỉ, tùy theo hồ sơ. Không kinh doanh mà các doanh nghiệp giành nhau mua lại các trường, từ dân lập (loại hình này chỉ Việt Nam mới có), cho đến bán công và công lập. Mấy người đó đâu có khùng mà vứt tiền qua cửa sổ.
Các nước chỉ có 2 loại trường là công lập và tư thục. Công lập, dĩ nhiên phi lợi nhuận vì được nhà nước bù lỗ. Tư thục chia thành 2 dạng: bình thường là vì lợi nhuận và phi lợi nhuận nếu được hỗ trợ từ các chủ trường. Suy cho cùng, chẳng có cái nào phi lợi nhuận cả. Chỉ có lợi nhuận trực tiếp bằng tiền mặt hoặc lợi nhuận gián tiếp, lâu dài tính bằng nhiều thứ khác cho nhà đầu tư. Việt Nam thì khác hẳn, không có trường công lập đúng nghĩa. Trường nào cũng thu học phí, công lập thu ít hơn; bán công, dân lập, tư thục thu nhiều hơn; liên doanh và nước ngoài có khi còn mắc hơn ở chính chủ.
|
Giáo dục là ngành kinh doanh sướng nhất trong tất cả các ngành, còn hơn được bao cấp. Nguyên liệu “đầu vào” có sẵn, không phải mua; cứ tùy nghi “chế biến”. Thử hỏi, có doanh nghiệp nào mà sản phẩm tự ứng tiền trả trước bằng học phí. Trả chậm hoặc thiếu, lập tức bị ngưng “sản xuất” hoặc thải hồi. Doanh nghiệp chẳng cần mất công tiếp thị hay tốn tiền quảng cáo. Sản phẩm phải tự tìm đầu ra, kiếm nơi tiêu thụ.
Mặc xã hội kêu ca, nhà trường cứ “sản xuất” đại trà, không sợ tồn kho. Cũng không lo không ai kiểm tra và giám sát chất lượng. Dù phải trả tiền trước nhưng “sản phẩm” kém chất lượng cũng không thấy ai kiện cáo buộc bồi hoàn. Sửa chữa, làm lại các “sản phẩm” bị lỗi là trách nhiệm của “người tiêu dùng” và toàn xã hội; “nhà sản xuất” cứ dửng dưng. Lâu lâu có vài “sản phẩm” tốt đột xuất thì “rước” về tung hô, kể công, giành tiếng. Chưa thấy “nhà sản xuất” nào thu hồi “sản phẩm” bị lỗi về sửa chữa (đào tạo lại).
Theo lẽ công bằng, sinh viên có thể kiện nhà trường nếu tốt nghiệp mà không thể tìm được việc làm tương thích vì thiếu kiến thức, nghiệp vụ lẫn kỹ năng. Sinh viên đóng học phí đầy đủ là để được đào tạo có chất lượng chứ không phải để mua bằng. Cần phải có các bộ phận PR, giám sát và kiểm tra chất lượng, “tiếp thị sản phẩm”, sửa chữa và thanh lý “sản phẩm lỗi”… trong các trường trung cấp, cao đẳng và đại học tương tự các doanh nghiệp.
Xin hãy nhìn thẳng vào sự thật. Hàng loạt trường cao đẳng, đại học có nguy cơ đóng cửa vì “thu gom nguyên liệu” đầu vào không được, vì cung bội thực còn cầu thì hạn chế. Xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp luôn trong tình trạng thiếu người giỏi, thiếu nhân lực chủ chốt nhưng không ai đào tạo được. Cơ cấu các trường đại học đang mất cân đối trầm trọng với trường nghề. Hậu quả, thiếu cả thợ lẫn thầy mà thừa quá nhiều “sản phẩm làng nhàng”, không phải thầy, cũng không phải thợ. Tỉ lệ thất nghiệp của cử nhân và cả thạc sĩ sau khi tốt nghiệp cao gấp mấy lần trường nghề. Có người đã dí dỏm ví von đại học là học đại. Kinh doanh kém hiệu quả thì phá sản là tất yếu. Trường không tuyển sinh được thì đóng cửa là đương nhiên.
Nói “đóng cửa vì giáo dục không thể kinh doanh” là ngụy biện và hèn nhát, không dám là mình. Khi đã không dám là mình thì hết thuốc, chẳng làm được gì nên chuyện.
Bình luận (0)