Giáo dục năm 2024: Thầy cô mong ước gì?

01/01/2024 08:36 GMT+7

Năm 2024 gõ nhịp, xen lẫn trong không khí ngập tràn chào mừng năm mới, nhà giáo nhen nhóm niềm mong ước về những đổi thay trong ngành giáo dục.

Học thật, thi thật

Dư luận ta thán mãi về căn bệnh thành tích của ngành giáo dục. Thành tích nổi trội trên đấu trường quốc tế cùng những huy chương vàng sáng chói là điểm son đáng tự hào. Nhưng bên cạnh đó, tình trạng học sinh được ưu ái nâng điểm, bỏ qua lỗi lầm hòng đạt chỉ tiêu vẫn diễn ra.

Năm mới, mong rằng việc đánh giá năng lực học sinh sẽ thực chất hơn, sát sao hơn, khách quan và công bằng hơn. Làm sao để mỗi bạn trẻ đến trường đều cảm nhận được niềm vui phấn đấu học hành, niềm hạnh phúc cải thiện điểm số qua từng bài kiểm tra, niềm hân hoan thực sự khi chạm tay vào tấm giấy khen mỗi dịp cuối năm học…

 Giáo dục năm 2024: Thầy cô mong ước gì?- Ảnh 1.

Học sinh đến trường cảm nhận được niềm vui phấn đấu học hành

ĐÀO NGỌC THẠCH

Hạn chế dạy học thêm theo phong trào

Dạy thêm-học thêm không hẳn là xấu nếu người học có nhu cầu và người dạy dùng tài năng sư phạm của mình bổ trợ, nâng cao kiến thức, năng lực cho trẻ. Nhưng dư luận chứng kiến mảnh ghép khác biệt về bức tranh dạy thêm ở nước ta: trẻ học đến mụ mị cả người vì lịch học thêm dày đặc, trẻ học đến mất tuổi thơ vì lịch học thêm cắt xén thời gian ăn, ngủ, nghỉ, vui chơi, kết nối.

Đừng để học thêm biến thành một phong trào mà mỗi nhân tố lao vào cuộc đua đều cảm thấy mệt nhoài: trẻ cặm cụi học, phụ huynh mải miết kiếm tiền đóng học phí, dư luận liên tục "đấu tố" những góc khuất tiêu cực, cơ quan chức năng loay hoay tìm giải pháp chấn chỉnh.

 Giáo dục năm 2024: Thầy cô mong ước gì?- Ảnh 2.

Mong dạy thêm học thêm không biến thành một phong trào

NHẬT THỊNH

Xây dựng trường học hạnh phúc

Bạo lực học đường luôn là từ khóa "hot" khiến môi trường thân thiện, hòa nhã, đoàn kết, yêu thương sau cánh cửa trường học cứ chênh chao theo mấy clip đánh đấm bị tung lên mạng. Có cảnh giáo viên cả giận mất khôn đánh trò và ứng xử chưa phù hợp với đạo đức nhà giáo. Có cảnh phụ huynh hành xử thiếu tình người với thầy cô và bạn học của con. Có cả nốt lặng buồn về những đứa trẻ lớp 7 vây cô giáo ở góc lớp, ném dép vào đầu cô…

Ngăn chặn mầm mống bạo lực và neo giữ bản tính thiện lương trong lớp măng non là trách nhiệm của nhà trường-gia đình-xã hội. Hãy chú trọng hơn nữa khía cạnh phẩm chất, đạo đức người học để uốn rèn thay vì cứ chăm chăm bồi bổ kiến thức, năng lực. Tăng cường kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng điều tiết cảm xúc, kiểm soát mâu thuẫn và giải quyết vấn đề để mỗi người trẻ đều nhận thức được rằng đằng sau hành vi ra oai đánh đập, lột đồ, quay clip, tung lên mạng ấy là vô vàn vết sẹo trên thân thể lẫn tâm hồn.

Cần sớm có giải pháp cho môn tích hợp

Chương trình GDPT 2018 đang đi vào chặng cuối, bản thảo những bộ sách cuối cùng đã hoàn thiện. Thế nhưng lúc này ngành giáo vẫn loay hoay, dư luận hoài nghi về chất lượng các môn tích hợp. Rồi mới đây, kiến nghị Bộ GD-ĐT biên soạn bộ sách giáo khoa nhà nước trong bối cảnh xã hội hóa sách giáo khoa tiếp tục dội thêm những trăn trở không dứt.

Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Bất kỳ cải cách, đổi mới trong giáo dục phải thật sự thận trọng bởi "sai một ly" có thể… đi chệch hàng dặm dài. Nên, mong lắm thay những quyết sách hợp lý, hiệu quả, thiết thực định hướng chuẩn xác môn học tích hợp cũng như số phận mơ hồ về bộ sách giáo khoa Bộ GD-ĐT biên soạn.

 Giáo dục năm 2024: Thầy cô mong ước gì?- Ảnh 3.

Nhà giáo đóng vai trò quan trọng trong tiến trình đổi mới giáo dục

NHẬT THỊNH


Giải quyết bài toán thiếu giáo viên

Đổi mới chương trình và sách giáo khoa đáp ứng xu thế tiến bộ của thời đại là yêu cầu tất yếu. Nhưng một chương trình hoàn thiện và bộ sách giáo khoa dẫu hay ho đến đâu cũng không thay thế được vai trò của người thầy chuyển tải tinh thần đổi mới, hiện thực hóa mục tiêu đổi mới. Tiếc rằng, giáo giới liên tục nhận con số thống kê buồn: Tính đến cuối năm học 2022-2023, cả nước thiếu 118.253 giáo viên mầm non, phổ thông theo định mức quy định. Cùng với đó, năm học 2022-2023 có 9.295 giáo viên nghỉ việc.

Giáo viên thiếu trầm trọng, nguồn tuyển không có, xu hướng bỏ việc chưa thấy dấu hiệu dừng lại. Đây là lực cản lớn lao khiến nỗ lực đổi mới giáo dục gặp vô vàn khó khăn. Ngăn chặn hiện tượng chảy máu chất xám và bổ sung đội ngũ viên chức giáo dục có năng lực là yêu cầu cấp thiết. Mong rằng ngành giáo dục sẽ có cơ chế tuyển dụng đặc thù, tăng chế độ ưu đãi và giảm áp lực để giúp những người yêu nghề, mến trẻ gắn bó với công việc.

Hy vọng rằng năm mới 2024 sẽ đón chào những điểm cộng bứt phá của đổi mới giáo dục.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.