Từ những giờ dạy theo “dây chuyền sản xuất”
Vụ cô giáo ở Quảng Bình phạt học sinh (HS) bằng 231 cái tát có “lỗi” từ chính 23 HS trong lớp, khi răm rắp nghe lời giáo viên (GV), thẳng tay tát bạn mà không một em nào lên tiếng hoặc có hành động phản đối. Đau lòng hơn là chính HS bị tát cũng đứng im chịu trận cho đến khi phải nhập viện cấp cứu vì không chịu nổi đau đớn…
tin liên quan
Hành vi của giáo viên ảnh hưởng đến ứng xử của học sinhMột giờ học mà người xem thực sự phẫn nộ và hoang mang trước sự răm rắp làm theo yêu cầu của GV và tự hỏi những giờ học như vậy nếu trở thành giờ dạy mẫu thì không khó để lý giải vì sao có 230 cái tát lên mặt một HS từ chính bạn bè của mình như vụ việc ở Quảng Bình.
“Cái chết của chúng ta là đào tạo HS ngoan, vâng lời”
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường phổ thông liên cấp Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), nhận xét: “Hiện chúng ta vẫn chỉ thích duy trì cách dạy HS ngoan và vâng lời, bảo sao và làm vậy. Trẻ em không được nêu chính kiến, không được dạy để nói lên chính kiến của mình. Các em không hề được dạy sáng tạo và lối dạy như vậy đang tồn tại khắp nơi. Tư tưởng, mục tiêu giáo dục là HS ngoan và vâng lời. Một trăm, một ngàn học bạ đều khen học trò là biết “chấp hành kỷ luật”. Chính tư tưởng giáo dục kiểu đó, nên khi cô giáo đưa ra mệnh lệnh thì mọi HS đều xem là kỷ luật và cứ thế chấp hành. “Cái chết của chúng ta là đào tạo HS ngoan, vâng lời chứ không đào tạo HS thành những con người sáng tạo, có chính kiến”.
|
Câu cửa miệng: “cô giáo con bảo…”
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, trong suốt vài chục năm qua, dù thành thị hay nông thôn, HS vẫn được giáo dục để coi mỗi lời nói của GV là mệnh lệnh. “Cô giáo con bảo…”, “… nhưng cô giáo con không đồng ý…” có lẽ là điều rất nhiều phụ huynh nghe được thường xuyên khi có con bắt đầu đi học, từ mầm non cho tới THPT.
Một bà mẹ có con học lớp 2 ở Hà Nội chia sẻ, từ khi con đi học lớp 1 đến nay, có rất nhiều khi bố mẹ được con về truyền đạt lại như mệnh lệnh rằng cô giáo con bảo phải thế này, phải thế kia, trong đó có không ít những yêu cầu vô lý. Đơn giản như việc mua đồ dùng học tập, có những GV bắt buộc HS phải mua đúng tên loại đồ dùng đó và HS răm rắp nghe theo, nếu không sẽ bị phạt. Ví dụ, cùng là bút viết nét thanh nét đậm ở lớp 1, 2 nhưng nếu bố mẹ mua không đúng tên nhà sản xuất như yêu cầu của cô giáo thì con cũng kiên quyết không mang đến lớp vì sợ cô mắng.
HS cũng “sợ” nhất là khi lớp, trường mình có đoàn kiểm tra đến dự giờ, đoàn lãnh đạo các cấp đến thăm. Khi ấy, những giờ học, những nghi thức được tập dượt hàng chục ngày, nhất là HS khá giỏi. Những HS yếu kém, nghịch ngợm, bị xem là “cá biệt” thậm chí sẽ… được nghỉ ở nhà để không bị lạc lõng trong lớp học đều “tăm tắp” về lực học và biết vâng lời.
Một thế hệ “học vẹt”
Một GV dạy văn đã nghỉ hưu ở trường công lập và nay đang hợp đồng giảng dạy với một trường THPT công lập tâm sự: "Bản thân tôi cũng mất rất nhiều năm trên bục giảng mới nhận ra có những điều tưởng chừng là “khuôn khổ” đối với học trò, “khuôn mẫu” với nghề nghiệp… đã không còn hoàn toàn phù hợp. Những giờ học “thầy đọc - trò chép”, những cuốn văn mẫu và những phương pháp giải toán rập khuôn có thể sẽ giúp học trò vượt qua các kỳ thi. Thế nhưng, chính điều đó cũng tạo ra “sản phẩm” là một thế hệ “học vẹt” tiếp thu kiến thức đầy thụ động, chỉ biết học thuộc và sao chép. Thế rồi, khi chứng kiến những HS đến trường lấy lệ, những thanh niên đã 18 tuổi là “con ngoan, trò giỏi” nhưng vẫn chưa biết định hướng cuộc đời, rời khỏi vòng tay bố mẹ là dễ dàng sa ngã thì không ít người vẫn chưa lý giải nổi vì sao…
PGS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục VN, cho rằng không có gì đáng sợ hơn khi chúng ta sợ hãi, dạy trẻ bằng cách ép chúng sợ hãi, khiến chúng không dám phản biện, không dám làm khác đi, kể cả một việc sai lầm đó là “vâng lời cô để tát bạn”.
Bình luận (0)