Giáo dục STEM nhìn từ... lon nước ngọt!

05/02/2018 10:03 GMT+7

Buổi huấn luyện cho giáo viên về phương pháp giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức vào cuối tuần qua đã giúp cho nhiều giáo viên (GV) hiểu rõ về phương pháp giáo dục này thông qua các ví dụ rất đời thường.

Đưa ra 2 lon nước ngọt, một lon theo mẫu cũ (lùn, mập), một lon theo mẫu mới (cao, ốm), ông Phạm Ngọc Tiến, Phó phòng THPT Sở GD-ĐT TP, yêu cầu GV vận dụng kiến thức của môn toán, môn vật lý để so sánh và làm rõ: Hình dạng như thế nào thì tối ưu? Lon mẫu nào sẽ tiết kiệm nguyên liệu cho nhà sản xuất?... Sau khi tính toán, GV nhận xét: Lon mẫu cũ tiết kiệm nguyên liệu hơn mẫu mới. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là: Tại sao nhà sản xuất hiện nay lại bỏ mẫu cũ để chấp nhận mẫu mới? Sau khi GV thảo luận, kết luận được rút ra là: Chấp nhận tốn kém nhiên liệu nhưng lợi nhuận sẽ tăng lên vì đánh trúng vào thị hiếu của người tiêu dùng, sản phẩm sẽ được tiêu thụ nhiều hơn…

Xuất phát từ thực tế hầu hết các GV trung học đều mơ hồ về việc áp dụng phương pháp STEM vào dạy học nên ban tổ chức đã lấy vô số ví dụ thực tiễn về phương pháp giáo dục này có lợi như thế nào với học sinh, đặc biệt trong giai đoạn công nghệ phát triển như hiện nay.
Từ thực tiễn, ông Tiến cho rằng đặc trưng của giáo dục STEM là các chủ đề dạy học phải thông qua các tình huống thực tế; vận dụng các kiến thức khoa học công nghệ, toán học, kỹ thuật để xử lý vấn đề; và phát huy vai trò của học sinh trong hoạt động nhóm, trong việc thực hành… Từ đó, GV xây dựng một giáo án theo phướng pháp giáo dục STEM.
Bấy lâu nay, GV các bộ môn xã hội thường băn khoăn về việc vận dụng phương pháp giáo dục STEM vào bài giảng. Ông Tiến cho rằng phương pháp này dễ áp dụng cho những môn học tự nhiên, tuy nhiên những môn xã hội cũng có thể áp dụng. Thành công hay không tùy thuộc vào trí tuệ của mỗi GV.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.