Trong số đó, gần 20 cơ sở có 100% vốn đầu tư nước ngoài mở trường từ mầm non đến THPT, sử dụng chương trình, giáo trình của nước ngoài như Mỹ, Anh, Úc, Nhật Bản... Nhiều dự án giáo dục từ nguồn vốn FDI cũng đang triển khai ở các thành phố lớn khác trong cả nước...
|
Đầu tư vào giáo dục ở Việt Nam được coi là lĩnh vực siêu lợi nhuận, trái ngược với các nước tiên tiến. Trong lúc, chương trình giáo dục trong nước lạc hậu đã tạo tâm lý không yên tâm cho các phụ huynh, nhiều gia đình khá giả nếu không gửi con ra nước ngoài du học tự túc thì cho vào các trường quốc tế. Trong thời đại hiện nay, đó là xu hướng tất yếu trong việc chọn lựa con đường phát triển cho con em. Điều đó đồng thời đặt ra cho những nhà quản lý giáo dục, quản lý đất nước nhiều suy nghĩ mang tính nguyên tắc: Phải thay đổi căn bản cả một nền giáo dục, từ triết lý đến mục đích, từ phương pháp đến nội dung; mà trong đó học sinh - sinh viên phải là đối tượng cốt yếu. Chỉ riêng "Đề án đổi mới giáo dục bậc phổ thông" 70 ngàn tỉ vừa qua và những ý kiến phản biện của các nhà chuyên môn đã cho thấy câu chuyện đổi mới giáo dục không hề đơn giản.
Theo GS-TSKH Nguyễn Xuân Hãn, ĐHQG Hà Nội: "...Điểm mới duy nhất (của đề án) là dự trù kinh phí từ 32.000 tỉ đồng lên 70.000 tỉ đồng. Dự thảo lần thứ 13 đề án này với gần 30 trang nhưng những vấn đề cần đặt ra, cần nghiên cứu một cách nghiêm túc chưa có, trong khi đó, thông tin trong đề án chủ yếu nói tới kinh phí khiến nhiều GS ví đề án này như một "bản nháp vội". Còn GS Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ, thì "Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ là khâu then chốt lại chưa được lưu tâm...".
Tại Đối thoại thường niên lần thứ 2 giữa lãnh đạo Bộ GD-ĐT và nhóm các nhà tài trợ quốc tế cho giáo dục cho thấy, đến năm 2009, tổng nguồn tài trợ từ nước ngoài đang được sử dụng trong các dự án giáo dục tại VN là 825,4 triệu USD. Trong những năm tới, cần phải đầu tư mở rộng gần 10.000 trường THCS và 1.000 trường THPT, đồng thời xây dựng thêm trường mới. Chỉ riêng việc kiên cố hóa trường lớp học, xây dựng nhà công vụ và in sách giáo khoa... là đã hết tiền, trong lúc phần quan trọng cốt tử, như GS Chu Hảo nói: “Chiến lược giáo dục chưa công bố, việc cải cách giáo dục cũng không được tính đến, Bộ GD-ĐT lại triển khai xây dựng chương trình, SGK mới. Đây không khác gì chuyện bắt cháu đẻ ra ông".
Nếu vẫn tiếp tục loay hoay mãi như vậy và với mảnh đất "siêu lợi nhuận" của giáo dục hiện nay, chúng ta không chỉ "thua trên sân nhà" mà còn đứng trước nguy cơ khoán trắng những vấn đề căn bản nhất về giáo dục đạo đức, nhân cách, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ cho các "đội khách" đến đầu tư và điều hành các trường học quốc tế ngay trên đất nước mình.
Trương Điện Thắng
Bình luận (0)