Hồi tháng 7.2016, khi Tòa trọng tài ở Hà Lan ra phán quyết bác bỏ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông, một cuộc triển lãm về sinh vật biển được tổ chức tại một viện bảo tàng ở Bắc Kinh, thu hút nhiều học sinh nước này đến tham quan.
“Khi đi dạo xung quanh khu triển lãm, tôi thấy nhiều mẫu san hô, cá mập và những sinh vật biển khác cho thấy vùng biển phía nam này (tức Biển Đông) giàu tài nguyên như thế nào. Tuy nhiên, những lời chú thích được viết trên các tấm bảng tại cổng vào đã bị chính trị hóa”, nhà báo Sugiyama viết trong bài bình luận “China’s distorted education over S. China Sea” (tạm dịch: Giáo dục của Trung Quốc về Biển Đông bị bóp méo) trên Yomiuri Shimbun.
Ông Sugiyama chỉ ra một trong những tấm bảng nói trên có dòng chữ: “Các đảo ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông-PV) là lãnh thổ bất khả xâm phạm của Trung Quốc từ thời xa xưa và những vùng biển này thuộc vùng biển lịch sử của đất nước chúng ta. Những đảo lớn bây giờ đang bị Việt Nam và Philippines chiếm đóng”. Còn một tấm bảng khác viết: “Những nguồn tài nguyên biển ở Nam Hải phải được phát triển để bảo vệ chủ quyền của chúng ta”.
Khi nhà báo Sugiyama hỏi một nhóm học sinh nam Trung Quốc về phán quyết của Tòa trọng tài, một em trong số đó trả lời: “Việc phân xử không thể giải quyết vấn đề. Trung Quốc phải tăng cường sức mạnh quốc gia toàn diện, gồm kinh tế, khoa học-công nghệ và quốc phòng”.
Đó là câu trả lời lý tưởng nhất đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, vốn xem phán quyết nói trên “chỉ là tờ giấy lộn” và đang có ý đồ tiếp tục mở rộng kiểm soát Biển Đông bằng vũ lực, theo nhà báo Sugiyama.
tin liên quan
Trung Quốc dọa Nhật đừng để 'bị cô lập thêm' trong vấn đề Biển ĐôngTrước việc Nhật tuyên bố sẽ tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế để thúc Trung Quốc tuân thủ phán quyết Biển Đông của Tòa trọng tài, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bảo rằng Nhật chỉ làm cho mình "bị cô lập thêm".
Ông Sugiyama cho biết thêm trong sách giáo khoa địa lý dành cho học sinh cấp 2 Trung Quốc có nội dung khẳng định nước này “không chỉ có đất bao la mà còn có vùng biển rộng lớn” và có một trang in bản đồ với “đường lưỡi bò” liếm gần hết Biển Đông.
Ngoài ra, trong sách hướng dẫn cho giáo viên còn có câu: “Những vùng biển Trung Quốc kiểm soát dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển rộng 3 triệu km2”. Biển Đông chiếm khoảng 2/3 diện tích này. “Do đó, học sinh được dạy những điều hoàn toàn khác với phán quyết của Tòa trọng tài”, nhà báo Sugiyama viết.
Nhà báo Nhật khẳng định những kiểu tuyên bố “Nam Hải của Trung Quốc” sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều không chỉ trong các sách giáo khoa mà còn trên báo chí, chương trình truyền hình, internet và cả trong các viện bảo tàng của Trung Quốc.
“Đằng sau những màn tuyên truyền này, một nguồn tin từ Đảng Cộng sản Trung Quốc bày tỏ quan ngại rằng “Trung Quốc đang bị cô lập”. Nhưng quan điểm như thế không tới được tai của trẻ em”, ông Sugiyama viết.
Khi được nhà báo Sugiyama hỏi về phán quyết của Tòa trọng tài, một em trong nhóm nữ sinh trung học cơ sở tại cuộc triển lãm nói trên trả lời: “Vấn đề Nam Hải nên được giải quyết thông qua đối thoại. Nếu giải quyết không được, Trung Quốc sẽ không ngại tiến hành chiến tranh” (!).
Bình luận (0)