62,5% giáo viên và 35,4% phụ huynh không hài lòng

11/06/2015 06:56 GMT+7

Sau hơn 1 tháng phóng viên Báo Thanh Niên khảo sát phụ huynh, giáo viên và cán bộ quản lý các trường tiểu học trên toàn quốc về thực hiện Thông tư 30 (chuyển đánh giá học sinh tiểu học bằng điểm số sang nhận xét), kết quả cho thấy nhiều điều cần phải xem xét.

Sau hơn 1 tháng phóng viên Báo Thanh Niên khảo sát phụ huynh, giáo viên và cán bộ quản lý các trường tiểu học trên toàn quốc về thực hiện Thông tư 30 (chuyển đánh giá học sinh tiểu học bằng điểm số sang nhận xét), kết quả cho thấy nhiều điều cần phải xem xét. 
Phóng viên Thanh Niên (bìa trái) khảo sát phụ huynh về đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét thay cho điểm, trước trường tiểu học ở Q.Tân Bình và Tân Phú (TP.HCM) - Ảnh: Phùng Tiến
Phóng viên Thanh Niên (bìa trái) khảo sát phụ huynh về đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét thay cho điểm, trước trường tiểu học ở Q.Tân Bình và Tân Phú (TP.HCM) - Ảnh: Phùng Tiến
Khảo sát cho kết quả 62,5% giáo viên (GV) và 35,4% phụ huynh (PH) không hài lòng về việc đánh giá học sinh (HS) tiểu học bằng nhận xét thay cho điểm như hiện nay. Gần 80% GV cho rằng HS có thái độ học tập tiêu cực hơn. Ngoài ra, khảo sát còn đưa ra nhiều kết quả đáng lưu ý khác.
Đây không phải là kết quả của một nghiên cứu khoa học nhưng khảo sát mang tính khách quan và những con số đưa ra đáng để chúng ta suy ngẫm, từ đó có những giải pháp tốt hơn cho một chủ trương đổi mới của ngành giáo dục.
Phụ huynh thành phố hài lòng hơn phụ huynh tỉnh


Gần 80% giáo viên thừa nhận công việc nặng nề hơn
Khảo sát của Báo Thanh Niên có câu hỏi: “Theo thầy/cô, thay cho điểm bằng nhận xét khiến công việc của GV?” với các lựa chọn: nặng nề hơn, nhẹ nhàng hơn, không có gì thay đổi, ý kiến khác.
Kết quả 79,2% GV cho rằng nặng nề hơn, chỉ 3,3% là nhẹ nhàng, không thay đổi 15,1% và ý kiến khác 2,4%. Trong đó Đắk Lắk và Bình Định 100% GV cho là nặng nề hơn, Hà Nội 95,6%, Cần Thơ 74,2%, Đồng Nai 72,4%, TP.HCM, Huế, Đà Nẵng và Khánh Hòa xấp xỉ 60%.
Như vậy, gần 80% GV cho rằng đánh giá bằng nhận xét khiến GV phải làm việc nhiều hơn, vất vả hơn. Đây là hiện tượng mà báo chí và dư luận cũng đã phản ảnh trong thời gian qua.

Tổng cộng có 734 phiếu khảo sát PH được thu thập, trong đó phiếu của TP.HCM là 248 và Hà Nội 127, còn lại các tỉnh.
Với câu hỏi: “Ông/bà đánh giá thế nào về việc thay cho điểm bằng đánh giá nhận xét học sinh tiểu học qua một năm học?”, có 31% PH trả lời hài lòng, 35,4% không hài lòng và 30,9% cho rằng bình thường. Bên cạnh đó, 9,4% PH có ý kiến thêm là: "Tốt nhưng cần phải điều chỉnh".
Về mức hài lòng, ở các tỉnh có khác nhau. Có các đơn vị cao hơn mức hài lòng chung (31%), gồm Hà Nội (43,3%), TP.HCM (43,1%), Khánh Hòa (40%) và Đà Nẵng (36%). Các địa phương dưới mức trung bình chung là Huế (25%), Đồng Nai (20%), Cần Thơ (11,4%), còn Quảng Ngãi và Đắk Lắk không có PH nào trả lời hài lòng. Như vậy, PH thành phố hài lòng cao hơn PH các tỉnh.
Về mức không hài lòng, bình quân chung 35,4%, nhưng một số địa phương có số PH trả lời không hài lòng quá cao như Bình Định (80%), Huế (60%), Quảng Ngãi (48%), Cần Thơ (48%), Đắk Lắk (40%). Đây là những con số cần lưu ý cho các địa phương.
Một điều đáng lưu ý là PH Hà Nội và TP.HCM trả lời khá tương đồng, lần lượt: hài lòng, không hài lòng và bình thường của Hà Nội là (43,3%, 28,3% và 37,8%) còn TP.HCM (43,1%, 28,6% và 33,9%). Điều này cho thấy, mức độ quan tâm đến con em đang học tiểu học cũng như mức cảm nhận một cách rõ ràng hơn của PH các thành phố lớn khi chuyển từ đánh giá bằng điểm sang nhận xét. Qua đây cũng cho thấy việc tiếp cận thông tin về đổi mới giáo dục của PH thành phố lớn có phần tốt hơn các địa phương khác.
Một số địa phương như Bình Định, Huế, PH trả lời chưa rõ ràng và còn nhiều phân vân, thể hiện chưa hiểu nhiều về đổi mới đánh giá ở trường tiểu học. Chẳng hạn như ở Bình Định, PH trả lời 3 mức hài lòng, không hài lòng, bình thường lần lượt là 2,7%, 80% và 5,3% (tổng 88% vì có 12% PH không trả lời), còn Huế là 25%, 60% và 50% (tổng 135%, vì có 35% PH trả lời 2 lựa chọn).
Quá nhiều giáo viên không hài lòng
Khảo sát GV thu được 400 phiếu, trong đó địa phương nhiều nhất là TP.HCM (185 phiếu). Tuy nhiên, khác với PH, đối với GV chỉ có 50% số người được hỏi có trả lời.
Cũng với câu hỏi tương tự cho PH, kết quả trả lời của GV như sau: hài lòng 14,1%, không hài lòng 62,5%, bình thường 23,4%, ngoài ra có 26,6% cho là tốt nhưng cần điều chỉnh. Như vậy, giữa PH và GV trả lời trái ngược nhau (mức độ hài lòng của PH là 31% còn GV là 14,1%; không hài lòng PH là 35% còn GV là 62,5%).
GV Khánh Hòa trả lời hài lòng cao nhất 47,8%, kế đến TP.HCM 36,7% nhưng Hà Nội chỉ có 2%.
Về mức không hài lòng, GV một số địa phương trả lời rất cao như Đắk Lắk và Huế là 100%, Bình Định 93%, Hà Nội 88%, Đà Nẵng 80%, TP.HCM 46,7%.
Học sinh lười học đi, lơ là, không động lực


Giảm dạy thêm - học thêm
Kết quả khảo sát có một điểm tích cực là tỷ lệ HS tiểu học đi học thêm giảm đáng kể - đây là một trong những mục tiêu mà Thông tư 30 hướng đến.
Khảo sát của Báo Thanh Niên công bố vào tháng 9.2014 có kết quả gần 75% PH cho con học thêm bậc tiểu học. Trong khảo sát về Thông tư 30 lần này có câu hỏi: “Đánh giá bằng nhận xét như hiện nay, ông/bà có cho con học thêm không?”. 42% PH trả lời cho con học thêm, 43% cho biết không, 20% chỉ học thêm trong hè.
Trong khi TP.HCM và Hà Nội số PH cho con đi học thêm giảm (TP.HCM là 46%, Hà Nội là 43%) thì một số địa phương PH vẫn cho con đi học thêm nhiều như Đồng Nai 76%, Huế 75%. Đà Nẵng là địa phương PH không cho con học thêm cao nhất 75%, Hà Nội 44% và TP.HCM 41%.
Còn GV cho biết có 34,7% PH cho con đi học thêm, 37,8% không và 27,5% chỉ học thêm trong hè. Như vậy, theo kết quả khảo sát, cả GV và PH đều cho rằng khi chuyển sang đánh giá bằng nhận xét, việc học thêm của HS đã giảm đáng kể.

Trước khi có khảo sát này, dư luận từ phía PH, đặc biệt là GV cho rằng trong quá trình theo dõi việc học của HS, họ nhận thấy rằng đánh giá bằng nhận xét làm cho HS mất động lực, lơ là trong việc học. Tuy nhiên, đó vẫn xem là những nhận xét cảm tính. Thế nhưng, kết quả khảo sát đã khiến vấn đề rõ ràng và định lượng hơn. Theo đó, có gần phân nửa PH trả lời khảo sát cho biết con cái của họ có chiều hướng tiêu cực: lười học đi, không động lực.
Câu hỏi:“Con cái của ông/bà như thế nào qua một năm học đánh giá bằng nhận xét?” có 4 mức chọn: chăm học hơn, lười học đi, hứng thú với việc học và lơ là, không động lực. Tỷ lệ trả lời của PH lần lượt các mức trên như sau: chăm học hơn 29,6%, lười học đi 19,2%, hứng thú với việc học 21,9% và lơ là, không động lực 30,4%. Như vậy, tỷ lệ cao nhất nằm ở lựa chọn HS không có động lực học sau một năm áp dụng Thông tư 30.
Có sự chia đều trong đánh giá của PH giữa tích cực và tiêu cực: 51,1% PH cho rằng HS chăm học và hứng thú hơn, 49,5% PH cho rằng HS lười đi và lơ là, không động lực. Trong khi đó gần 80% GV thừa nhận điều này.
PH ở 3 địa phương là TP.HCM, Hà Nội và Khánh Hòa cho rằng đánh giá bằng nhận xét HS sẽ tích cực hơn còn các địa phương khác cho rằng HS có phần tiêu cực hơn. Trong đó, PH Bình Định trả lời sẽ tác động tiêu cực hơn đến 89,3%.
Một lần nữa, với câu hỏi này, PH ở TP.HCM và Hà Nội đánh giá khá tương đồng khi tỷ lệ tích cực và tiêu cực, lần lượt ở TP.HCM là 68,1% và 35,5%, Hà Nội là 62,2% và 48%.
Cũng với câu hỏi này, chỉ có 20,8% GV cho rằng đánh giá bằng nhận xét HS tích cực hơn (chăm học và hứng thú với việc học) và 79,2% GV cho rằng HS có chiều hướng tiêu cực hơn (lười học đi và lơ là, không động lực). Nhiều địa phương, tỷ lệ GV cho rằng HS tiêu cực hơn rất lớn, như Huế và Đà Nẵng 99%, Bình Định và Hà Nội 96%, Đồng Nai và Cần Thơ 80%, TP.HCM 50%, Khánh Hòa 35%.
Như vậy, PH đánh giá tích cực 50%, tiêu cực 50% còn GV đánh giá tích cực 20% và tiêu cực gần 80%.
Không thay đổi trong kết quả học tập của học sinh ?
Kết quả đánh giá học tập của HS tiểu học trong thời gian qua là một trong những vấn đề gây tranh cãi. Do không có điểm số như cách đánh giá truyền thống nên phần lớn PH không định lượng được kết quả học tập của con em, mặc dù họ cảm nhận rất rõ HS thiếu động lực học tập. Còn GV, dù thường đưa ra những lời nhận xét tốt đẹp cho HS qua sổ liên lạc, giấy khen, bài làm hằng ngày… nhưng hơn ai hết, họ hiểu rõ thực lực học trò của mình. Vì vậy, theo kết quả khảo sát, trong khi chỉ 26,6% PH cho rằng HS học sụt giảm thì đến 44,4% GV thừa nhận điều này.
Câu hỏi: “Kết quả học tập của con ông/bà sau một năm đánh giá bằng nhận xét quá trình, cho điểm cuối học kỳ?” có 3 lựa chọn: tiến bộ hơn, sụt giảm đi và không thay đổi. Kết quả trả lời PH của 10 địa phương cho thấy, tiến bộ hơn là 32,9%, sụt giảm đi 26,6% và không thay đổi 40,5%.
PH Hà Nội trả lời HS tiến bộ cao nhất là 48,6%, kế đến Khánh Hòa 41%, TP.HCM 33,8%, Đà Nẵng và Cần Thơ là 32%, Đồng Nai 29%, Huế 27%, Bình Định 2,9% và Quảng Ngãi 0%.
Đánh giá kết quả HS sụt giảm đi, Bình Định cao nhất 81,2%, Quảng Ngãi 63,6%, Huế 31%, Cần Thơ 27%, Hà Nội 22,3%, Khánh Hòa 18%, TP.HCM và Đà Nẵng 16%.
Đánh giá HS không thay đổi, Đà Nẵng 52%, TP.HCM 50,2%, Đồng Nai 44,9%, Huế và Khánh Hòa 41%, Cần Thơ 40,5%, Hà Nội là 29,1% và Bình Định là 15,9%.
Ngược lại, GV cho rằng chỉ 12,3% tiến bộ hơn và 44,4% sụt giảm đi, không thay đổi là 43,2%. Đáng chú ý một số địa phương GV cho rằng HS sụt giảm rất cao như Bình Định 84,4%, Đà Nẵng 66,7%, Hà Nội 64,7%, Đắk Lắk 60%, TP.HCM 30,6%. (Còn tiếp)
Khảo sát 165 trường tiểu học
Khảo sát thực hiện từ ngày 20.4 và kết thúc ngày 5.5 ở 10 địa phương: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Huế, Bình Định, Đồng Nai, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Cần Thơ với 165 trường tiểu học trên toàn quốc ở các địa bàn thành thị, nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa. Tổng cộng có 1.191 phiếu thu vào.
Khảo sát bao gồm 7 câu hỏi dành cho phụ huynh, 9 câu hỏi dành cho giáo viên và cán bộ quản lý trường tiểu học.
Từ số liệu khảo sát, chúng tôi nhờ thạc sĩ Hồ Sỹ Anh, Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM phân tích số liệu.
 Chưa phù hợp
Đánh giá học sinh tiểu học năm 2014 - 2015 bằng nhận xét thay cho điểm - Ảnh: Đào Ngọc ThạchĐánh giá học sinh tiểu học năm 2014 - 2015 bằng nhận xét thay cho điểm - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Bảng khảo sát đưa ra câu hỏi: “Theo thầy/cô, không cho điểm HS tiểu học mà thay bằng nhận xét - đánh giá có phù hợp với điều kiện ở VN hiện nay?”. Có 16,9% GV cho là phù hợp, 28,5% không phù hợp, 46,7% khẳng định chưa phù hợp và 7,9% ý kiến khác. Trong đó, Huế và Bình Định 66% GV cho không phù hợp. Về trả lời chưa phù hợp, GV Hà Nội là 71,6%, Cần Thơ 64,5%, Đồng Nai 50%, và TP.HCM 22,2%.
Với câu hỏi “Thay cho điểm bằng nhận xét, tâm lý con ông/bà như thế nào?”, có 38,6% PH cho rằng HS thích; 31,6% không thích và 32,3% không quan tâm. Hà Nội là địa phương PH cho rằng HS thích cao nhất 60,6%, kế đến là Khánh Hòa 52,9%, Đà Nẵng và Cần Thơ 44%, TP.HCM 39,9%, Đồng Nai 29%, Huế 25%, Bình Định 4% và Quảng Ngãi 0%.
Ngược lại, chỉ có 16,5% GV cho rằng HS thích, 51,7% không thích và 31,8% không quan tâm. Hà Nội và Đà Nẵng là 2 địa phương GV cho rằng HS không thích rất cao (77,8%), Cần Thơ 43,3%, Đồng Nai 42,9%, TP.HCM 38,9%, Huế 33,3%, Bình Định 31% , Khánh Hòa 28,6%.
Ở đây lại có sự đánh giá khác nhau giữa PH và HS. Kết quả của khảo sát ở nhiều câu hỏi cũng thể hiện điều này. Chẳng hạn với câu: “Thầy/cô ở trường có trao đổi với ông/bà khi nhận xét HS?”, kết quả trả lời của PH như sau: 28% thường xuyên, thỉnh thoảng 48,9%, rất ít 21,8% và chưa bao giờ là 9,5%. Như vậy, chỉ có gần 1/3 GV trao đổi thường xuyên. Về mức độ thường xuyên trao đổi, Hà Nội cao nhất 48%, Cần Thơ 40%, Đà Nẵng 36%, Đồng Nai 27,5%, TP.HCM 25%, Khánh Hòa 21%, Huế và Quảng Ngãi 20,5% và Bình Định 1,3%. Ở mức độ chưa bao giờ, TP.HCM 18%, Huế 10%, các địa phương khác dưới 10% và Hà Nội chỉ có 0,8%. Như vậy, Hà Nội là đơn vị được PH đánh giá có tới 99% GV đã thực hiện trao đổi với họ khi nhận xét HS.
Kết quả trả lời của GV như sau: thường xuyên 42%, thỉnh thoảng 45,1% và rất ít là 12,3%. Như vậy, 100% GV cho rằng có trao đổi với PH khi nhận xét HS, trong khi PH chỉ cho rằng chỉ hơn 90% GV có trao đổi. Về mức độ trao đổi thường xuyên, Hà Nội và Đồng Nai 64%, Khánh Hòa 46%, Đà Nẵng 44%, TP.HCM 36,1% và Bình Định 6,3%.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy 46,9% PH cho rằng nhận xét của GV còn chung chung, 36,6% chính xác, 12,8% không chính xác và nhận xét cụ thể là 9,8%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.