Toàn TP phải cùng tham gia 3 chương trình ?
Theo văn bản này, trong năm học 2018 - 2019, Sở GD-ĐT triển khai 3 chương trình học tập trải nghiệm tiết học ngoài nhà trường.
Đó là chương trình tại Thảo Cầm Viên với 20 chủ đề từ lớp 6 đến lớp 12 của bộ môn sinh học, nông nghiệp. Chương trình thứ 2 là học trải nghiệm và ngoại khóa tại khu sinh thái Về quê - Củ Chi cũng dành cho môn sinh học, nghề nông nghiệp. Ở chương trình này, sau khi hoàn thành nhiệm vụ học tập, học sinh sẽ tham gia trải nghiệm với hoạt động cấy lúa bậc thang, thu hoạch nông sản, rèn kỹ năng… Chương trình thứ 3 mang tên Nông nghiệp 4.0 tại Khu nông nghiệp công nghệ cao Củ Chi xây dựng trên cơ sở nội dung học tập trải nghiệm bộ môn sinh học và nông nghiệp với định hướng giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán). Khi tham gia, học sinh sẽ được trải nghiệm, nghiên cứu về công nghệ nuôi cấy mô thực vật, công nghệ nông nghiệp tự động, kỹ thuật trồng nông sản trên các giá thể…
tin liên quan
Tài liệu học tập trải nghiệm ngoài nhà trường phải được thẩm địnhTrong văn bản Sở gửi đến phòng giáo dục 24 quận, huyện và khoảng 100 trường THPT có ghi đây là chương trình được xây dựng trong kế hoạch năm học của nhà trường, khuyến khích các trường thực hiện và đề nghị các đơn vị đăng ký chương trình trên cổng thông tin của Sở.
Trước quy định này, hiệu trưởng một trường THCS tại Q.Tân Phú nói: “Những địa điểm này, học sinh trường chúng tôi đã đến tham quan và tìm hiểu nên không có gì mới để phải tổ chức thêm một lần nữa. Đây là hoạt động cần phương tiện di chuyển, vé vào cổng… nên phụ huynh phải đóng góp kinh phí. Như vậy chương trình phải tạo sự hứng thú, có khám phá mới thì phụ huynh mới đồng ý cho con em tham gia”.
Một số giáo viên ở huyện Cần Giờ, Nhà Bè cho biết muốn tổ chức tiết học trải nghiệm cho học sinh, giáo viên có thể tận dụng những khu sinh thái ở khu vực này mà vẫn đảm bảo kiến thức về sinh học, nông nghiệp chứ không phải sang Q.1 hay H.Củ Chi, bất tiện vì quá xa.
Các trường có gặp khó khăn với chương trình riêng ?
Một trưởng phòng giáo dục còn thông tin, với văn bản triển khai này, hiệu trưởng một trường THCS nói rằng: “Chúng tôi có cảm giác phải thực hiện theo các chương trình định hướng của Sở, còn nếu muốn tổ chức chương trình riêng sẽ phải hoàn tất các thủ tục rất nhiêu khê”.
Có suy nghĩ này là vì khi triển khai văn bản, Sở lưu ý các trường muốn thực hiện riêng các tiết học ngoài nhà trường, phải gửi toàn bộ chương trình, kế hoạch thực hiện và nội dung hoạt động, lực lượng tham gia và phương án kiểm tra đánh giá về phòng Trung học của Sở trước 30 ngày. Từ đó, vị hiệu trưởng này nói rằng tiết học ngoài nhà trường là hoạt động nằm trong nội dung giảng dạy, Sở nên để các trường chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện chứ không thể ép buộc và cấp “giấy phép con” như vậy.
Giải thích điều này, lãnh đạo Sở nói rằng 3 địa điểm mà Sở gợi ý là những đơn vị sẵn sàng phối hợp với Sở và đã có nhiều cuộc họp thống nhất về nội dung gắn với chương trình. Tuy nhiên, các trường có thể xây dựng tiết học ngoài nhà trường ở bất kỳ địa điểm nào nhưng phải gắn với chương trình giáo dục và các trường xây dựng kế hoạch gửi về Sở để xem xét.
Theo lãnh đạo Sở thì đây là một kế hoạch học tập, phải có từ đầu năm học, nhà trường phải xây dựng tiết học đó cụ thể như ai lên lớp, ai dạy, số học sinh không tham gia thì được trải nghiệm, học tập tại chỗ như thế nào, quản lý học sinh ra sao và kiểm tra đánh giá như thế nào? Nếu các trường làm quen rồi thì Sở sẽ không can thiệp nhiều nhưng nếu lần đầu tổ chức thì kế hoạch đó phải được thẩm định và các phòng chuyên môn hỗ trợ. Thời gian quy định báo cáo trước 30 ngày là để có sự chuẩn bị chu đáo do gần đây phụ huynh học sinh phản ánh việc các trường tổ chức tiết học này theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, học sinh chưa nắm được nội dung kiến thức bài học...
Sau 10 ngày nhận được kế hoạch Sở sẽ góp ý và trả lời ngay để các trường có sự chuẩn bị hoặc bổ sung để đảm bảo mục tiêu là tiết học gắn với nội dung chương trình, có kiểm tra đánh giá và báo cáo kết quả với Sở, với Phòng GD và phụ huynh học sinh.
Tuy nhiên, hiệu trưởng các trường vẫn cho rằng giáo viên, nhà trường sẽ là người hiểu rõ nhất học sinh mình cần gì, khả năng tiếp nhận ra sao mà có tiết học phù hợp nhất. Còn Sở chỉ cần đưa ra chủ trương và yêu cầu các trường thực hiện đúng quy định, mục đích chứ không nên “định hướng hay gợi ý” như vậy.
Bình luận (0)