Bí quyết học nhanh, nhớ lâu môn lịch sử

Bích Thanh
Bích Thanh
13/05/2019 17:46 GMT+7

So sánh và đối chiếu các sự kiện trong quá trình 'tăng tốc' ôn thi là bí quyết học nhanh, nhớ lâu môn lịch sử, vừa được thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) bật mí.

Xác định mục tiêu 

Thực tế từ kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), cho rằng bộ môn lịch sử gây cho thí sinh chọn tổ hợp môn KHXH nhiều khó khăn. Phổ điểm thấp cho thấy các em không chú trọng ôn tập môn lịch sử.

 


Trong kỳ thi năm nay, với sự thay đổi về cách tính điểm với tỷ lệ 7/3 (70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh) sẽ gây cho thí sinh nhiều khó khăn hơn. Do vậy năm nay, những thí sinh nào chọn tổ hợp môn xét tuyển là KHXH cần có phương án ôn thi thích hợp.

 

Trong quá trình ôn tập, thầy Đăng Du đưa ra một số lưu ý như: Xác định mục tiêu thi là dùng tổ hợp bộ môn KHXH để xét tuyển tốt nghiệp hay dùng điểm môn sử để xét tuyển vào trường ĐH. Việc xác định mục tiêu sẽ là yếu tố quan trọng trong việc giới hạn nội dung ôn tập. Nếu để xét tuyển tốt nghiệp thì chúng ta nên tập trung ôn tập chương trình lớp 12. Nếu xét tuyển vào ĐH thì thí sinh phải mở rộng ôn tập kiến thức lớp 10 và 11.

Đối chiếu, so sánh các sự kiện

Đặc thù của bộ môn lịch sử là bao gồm nhiều sự kiện, trải qua nhiều thời gian khác nhau nên để nhớ nhiều và nhớ lâu, thì cách tốt nhất là học theo hệ thống. Hệ thống bằng cách học theo chuyên đề, học bằng cách vẽ sơ đồ tư duy, học bằng các bảng thống kê...

Với nội dung lịch sử Việt Nam, giáo viên Đăng Du cho rằng khi học nên đối chiếu, liên hệ với tình hình thế giới đương thời. Tìm mối liên hệ giữa lịch sử Việt Nam với các yếu tố của lịch sử thế giới. Ví dụ như sự hình thành chủ nghĩa phát xít vào thập niên 30 có tác động gì đến Cách mạng Việt Nam? Cách mạng tháng 10 Nga có tác động gì đến sự kiện Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cứu nước… Học như vậy sẽ giúp các em củng cố được kiến thức và giải quyết được những câu hỏi mang tính vận dụng trong đề thi.

Qua đề thi các năm trước, thầy Đăng Du nhận định các câu hỏi trắc nghiệm không chú trọng đến thời gian, tên người, tên địa danh mà chú trọng đến nguyên nhân, kết quả, tính chất và ý nghĩa lịch sử của các sự kiện. Cho nên khi học, chúng ta nên lưu ý đến các yếu tố này. Hãy đặt các câu hỏi tại sao xảy ra? Kết quả thế nào? Có ý nghĩa gì, tác động gì?..., khi học các sự kiện. Cách học này sẽ giúp chúng ta nắm các kiến thức một cách sâu sắc hơn.

Đồng thời khi học các sự kiện trọng điểm nên tiến hành so sánh để tìm ra những điểm giống nhau và khác nhau giữa các sự kiện. Đây là hình thức hay được sử dụng để ra những câu hỏi mang tính vận dụng trong đề thi như so sánh các nguyên nhân thành công của kinh tế Mỹ, Nhật, Tây Âu, so sánh cách mạng Việt Nam và Lào, so sánh 3 chiến lược của Mỹ tại miền Nam Việt Nam...

Đặc biệt, thầy Đăng Du lưu ý học sinh tuyệt đối không học tủ trong quá trình ôn thi môn lịch sử. Nội dung thi trắc nghiệm dàn trải hết chương trình phổ thông đỏi hỏi thí sinh phải có kiến thức cơ bản để làm bài. Việc chỉ tập trung vào một số chủ điểm nào đó chỉ mang lại một kiến thức chắp vá, khiến chúng ta gặp nhiều lúng túng khi làm bài.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.