Bổ nhiệm người về hưu làm quản lý có cản trở người trẻ?

23/12/2017 08:47 GMT+7

ĐH Quốc gia TP.HCM vừa có văn bản thí điểm cho phép người về hưu được làm trưởng bộ môn và trưởng đơn vị chuyên môn. Quy định mới này ngay lập tức nhận nhiều ý kiến xung quanh việc trẻ hóa đội ngũ quản lý.

Theo ĐH này, căn cứ tình hình thực tiễn và yêu cầu công tác chuyên môn, trưởng các đơn vị có thể xem xét giao nhiệm vụ trưởng bộ môn hoặc trưởng đơn vị chuyên môn, bao gồm trưởng các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm thuộc khoa trở xuống cho các viên chức đã hết tuổi làm công tác quản lý.
Các viên chức giảng dạy này phải là tiến sĩ, phó giáo sư (PGS), giáo sư (GS); có năng lực, uy tín và kinh nghiệm trong hoạt động chuyên môn và đang trong giai đoạn kéo dài thời gian làm việc tại đơn vị. Việc thí điểm này nhằm tiếp tục phát huy sự đóng góp chuyên môn sâu của giảng viên có học vị tiến sĩ, chức danh GS và PGS theo quy định nhà nước.
Một số nơi không tìm được người thay thế !
Theo đại diện ĐH Quốc gia TP.HCM, quy định được ban hành xuất phát từ thực tế một số bộ môn hiện không tìm được người trong độ tuổi quản lý để thay thế. Bên cạnh đó, một số trường hợp hết tuổi quản lý nhưng đang nắm công việc, mối liên lạc về chuyên môn với đối tác quốc tế và chưa thể bàn giao lại.
“Tuy nhiên, đây chỉ là trưởng các đơn vị chuyên môn từ cấp khoa trở xuống nên khác với lực lượng cán bộ quản lý hành chính. Yêu cầu với trưởng các đơn vị này chỉ là năng lực và kinh nghiệm chuyên môn đơn thuần. Quy định này không thực hiện trên diện rộng mà chỉ xem xét trong một số trường hợp đặc thù do vậy không làm mất cơ hội, điều kiện phát triển của người trẻ”, vị đại diện này cho biết.
Cũng theo vị này, ĐH Quốc giA chỉ tạo cơ chế chứ không trực tiếp bổ nhiệm. Điều đó phụ thuộc vào thỏa thuận của khoa chuyên môn và người lao động, khoa cũng phải tự tìm kinh phí để trả lương chứ không hưởng từ ngân sách.
Thống kê quy hoạch nhân sự giai đoạn 2017 - 2022 tại ĐH Quốc gia TP.HCM cho thấy nhiều cán bộ trẻ đang đảm nhiệm các vị trí quản lý. Ở cấp trưởng, phó khoa các trường thành viên, trung bình trên 50% là thế hệ 7X, 8X. Còn quy hoạch trung bình hiện nay cấp ban giám hiệu, lãnh đạo ban trở lên, tỷ lệ này chiếm khoảng 80%.
Có thể sử dụng trong vai trò cố vấn
Theo quy định tại Nghị định 141/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Giáo dục ĐH, giảng viên có chức danh GS và PGS, học vị tiến sĩ đang công tác tại các trường ĐH chỉ được kéo dài thời gian làm việc sau khi về hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Thời gian kéo dài làm việc đối với giảng viên có trình độ tiến sĩ không quá 5 năm, PGS không quá 7 năm và GS không quá 10 năm.
Đối chiếu quy định này với việc thí điểm của ĐH Quốc gia TP.HCM, nguyên hiệu trưởng một trường ĐH cho rằng chỉ nên thí điểm trong những trường hợp thực sự cần thiết khi chưa tìm được người thay thế. “Còn nếu đã có lớp trẻ kế cận thì không nên bổ nhiệm vì sẽ hạn chế sự phát triển của người trẻ”, vị nguyên hiệu trưởng này nói.

tin liên quan

ĐH Quốc gia TP.HCM ra mắt Cổng thông tin việc làm

Cổng thông tin việc làm ĐH Quốc gia TP.HCM vừa chính thức đi vào hoạt động. Đây không chỉ là nơi để sinh viên tìm việc, mà nhà tuyển dụng còn có thể tìm ứng viên thông qua hồ sơ cá nhân do sinh viên tự tạo.

Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cho rằng trường vẫn có thể sử dụng đội ngũ đó trong vai trò cố vấn, giúp đỡ phát triển đội ngũ kế cận. Đồng thời nên có chiến lược phát triển nhân lực gắn với chiến lược phát triển nhà trường để chủ động tạo cơ hội phát triển cao nhất cho lớp trẻ và huy động lớp cán bộ đã đến tuổi nghỉ quản lý cùng đóng góp cho sự phát triển của nhà trường theo nhiều cách khác nhau.
Ý kiến:
Quan trọng là uy tín học thuật
Ở nước ngoài, thầy cô lớn tuổi vẫn làm việc tại các phòng thí nghiệm bình thường. Tôi cho rằng ở bộ môn hay phòng thí nghiệm, công việc chính thiên về học thuật. Do vậy, người đứng đầu các đơn vị chuyên môn này cần có nhiều kinh nghiệm. Đặc biệt là phải có uy tín về học thuật với những người cấp dưới họ. Khi làm được điều đó thì việc bổ nhiệm người về hưu vào các vị trí đó không có vấn đề gì.
Tiến sĩ Nguyễn Phúc Khải (Giảng viên Trường ĐH Bách khoa)
Ủng hộ thí điểm
Vấn đề quan trọng là tìm được người thực sự có năng lực, kinh nghiệm quản lý tốt và tâm huyết. So với thế giới, tuổi nghỉ hưu của VN quá sớm. Nhiều người dù hết tuổi quản lý nhưng rất đáng trân trọng vì có bề dày kiến thức và kinh nghiệm.
PGS - TS Lê Thị Lý (Giảng viên Trường ĐH Quốc tế)
Người về hưu không nên quản lý trực tiếp
Theo quan điểm của tôi, chỉ nên bổ nhiệm những người còn trong độ tuổi lao động vào các vị trí quản lý, dù ở cấp trưởng đơn vị chuyên môn. Người về hưu không nên quản lý trực tiếp, nếu có thì tham gia vào hội đồng cố vấn để giúp đỡ người trẻ hơn. Như vậy, mới tạo cơ hội để người trẻ được tiếp cận, va chạm và phát triển.
Tiến sĩ Nguyễn Hà Hùng Chương (Giảng viên thỉnh giảng Trường ĐH Khoa học tự nhiên)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.